"EU tiếp tục lên án việc Nga sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol phi pháp và duy trì cam kết thực hiện chính sách không công nhận", Reuters dẫn thông báo của EU hôm qua.
Theo đó các biện pháp trừng phạt, được gia hạn đến ngày 23/6 năm sau, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại Crimea đến châu Âu, trong đó có sản phẩm và công nghệ dành cho thăm dò, sản xuất dầu khí và các tài nguyên khoáng sản. Các công ty châu Âu bị cấm xuất khẩu đến bán đảo các mặt hàng liên quan đến giao thông, viễn thông và năng lượng. Các giao dịch về bất động sản, tài chính và du lịch cũng nằm trong danh mục này.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi tháng 3 năm ngoái, Phương Tây lên tiếng chỉ trích Moscow mạnh mẽ và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, bao gồm lệnh cấm đầu tư và các biện pháp hạn chế nhắm vào các cá nhân và công ty ở Crimea.
Các nước EU hôm 17/6 nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt Nga đến cuối tháng một năm sau, nhắm vào lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng. Ngoại trưởng EU họp tại Luxembourg vào ngày 22/6 tới dự kiến sẽ phê chuẩn việc gia hạn lệnh trừng phạt mà không cần thảo luận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bày tỏ tự tin hợp tác của Moscow với Phương Tây sẽ vẫn tiếp tục, và hợp tác với các nước thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và các nước Mỹ Latin tiến triển.
Ông Putin cũng khẳng định Nga đang xử lý tốt cuộc khủng hoảng kinh tế bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt từ Mỹ và châu Âu và do giá dầu thế giới giảm. Dù tổng thống Nga gần đây biểu lộ những dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Phương Tây nhưng ông cũng đồng thời thể hiện lập trường không thay đổi trước tình hình Ukraine, khác hẳn với quan điểm của Mỹ và châu Âu.
Khánh Lynh