
Số người tị nạn dự kiến được phân bổ cho mỗi nước EU. Đồ họa: WallStreetJournal
"Một lượng người tị nạn chưa từng có đang đến châu Âu", Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, hôm qua nói trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp. "Các nước thành viên nơi người tị nạn đặt chân đến đầu tiên, hiện là Hy Lạp, Hungary và Italy, không thể bị bỏ mặc phải tự xử lý thách thức khổng lồ này".
Ông Juncker cho biết số người tị nạn chỉ chiếm 0,11% dân số châu Âu, trong khi số người tị nạn chiếm 25% dân số Lebanon. Theo đề xuất phân bổ người tị nạn, chủ tịch cho hay các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ phải nhận thêm hơn 120.000 người xin tị nạn nữa từ những vùng đang có chiến sự ở Trung Đông và Bắc Phi.
Các nước EU đến tuần tới sẽ phải nhất trí tiếp nhận 120.000 người tị nạn theo chỉ tiêu bắt buộc, nhằm giúp xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II. Ngoài số này, đã có 40.000 suất ủy ban đề xuất hồi tháng 5. Các nước từ chối tiếp nhận số người tị nạn được phân bổ có thể bị trừng phạt kinh tế.
Juncker cho biết số người phân bổ cho mỗi nước sẽ phụ thuộc vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dân số, tỷ lệ thất nghiệp và các đơn xin tị nạn đã được xử lý.
"Khủng hoảng tị nạn sẽ không dễ dàng biến mất", Juncker nói, và cho biết khoảng 500.000 người tị nạn đã vào châu Âu trong năm nay, chủ yếu là người Syria và Libya. "Đã đến lúc cần hành động".
"Chúng ta đang chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo, vì sao chúng ta không sẵn sàng chấp nhận những người phải trốn chạy khỏi Nhà nước Hồi giáo?", ông Juncker nói thêm.
Đức, điểm đến chính của nhiều người tị nạn, ủng hộ chỉ tiêu bắt buộc, tuy nhiên một số nước khác như Czech, Slovakia, Ba Lan và Romania phản đối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc lại yêu cầu chia sẻ bắt buộc những người tị nạn. "Chúng ta cần một thỏa thuận bắt buộc về việc phân bổ người tị nạn giữa tất cả các nước thành viên, theo tiêu chuẩn công bằng", Reuters dẫn lời bà Merkel nói trong cuộc thảo luận ngân sách thường niên của quốc hội Đức. "Những người không trốn chạy vì bị đàn áp chính trị hay chiến tranh mà vì nhu cầu kinh tế sẽ không được ở lại Đức".
Khủng hoảng tị nạn châu Âu mỗi tuần lại thêm trầm trọng. Hàng trăm nghìn người vào Liên minh châu Âu từ tháng một. Ít nhất 850.000 người nữa dự kiến vượt Địa Trung Hải để tìm cách tị nạn ở châu Âu trong năm nay và năm tới, Liên Hợp Quốc cho biết.
Juncker cho hay ủy ban cũng đang đề xuất cơ chế tái định cư vĩnh viễn nhằm giúp xử lý tình trạng khẩn cấp về người tị nạn trong tương lai. "Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc cho phép người xin tị nạn được đi làm khi đơn của họ đang được xử lý. Làm việc là vấn đề phẩm giá", ông nói.
Trọng Giáp (theo IBT Times)