"Trong nỗ lực tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên hôm nay đạt thỏa thuận chính trị về tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt trước mùa đông này", hội đồng các bộ trưởng EU ra thông cáo cho biết.
Hội đồng cũng dự báo khả năng kích hoạt "cảnh báo Liên minh" về an ninh nguồn cung, trong trường hợp việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt trở thành yêu cầu bắt buộc, thông cáo có đoạn.
"Mục đích của cắt giảm nhu cầu khí đốt là để tiết kiệm trước mùa đông, nhằm sẵn sàng cho kịch bản nguồn cung từ Nga bị gián đoạn, khi Moskva tiếp tục sử dụng năng lượng như một loại vũ khí", hội đồng các bộ trưởng EU cho biết thêm.
Claude Turmes, bộ trưởng năng lượng Luxembourg, viết trên Twitter rằng Hungary là thành viên duy nhất phản đối kế hoạch này.
Dự thảo thỏa thuận được AFP công bố trước đó cho thấy EU có thể áp dụng ngoại lệ cho một số thành viên như Ireland, Cyprus hay Malta và những nước không kết nối với mạng cung cấp khí đốt của châu lục.
Cuộc họp của các bộ trưởng EU diễn ra trong bối cảnh một số quốc gia thành viên như Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha đã từ chối đề xuất trước đó của Ủy ban châu Âu về việc trao quyền cho Brussels cắt giảm tiêu thụ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.
Mục tiêu cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình mỗi nước nhờ hàng loạt điều khoản miễn trừ, tính toán mức dự trữ năng lượng cũng như quốc gia đó có đường ống dẫn khí hay không, theo AFP.
Động thái được EU tiến hành sau khi tập đoàn Gazprom của Nga thông báo ngừng hoạt động thêm một tuabin tại trạm nén khi Portovaya thuộc hệ thống Nord Stream 1 sau khi đánh giá tình trạng kỹ thuật của thiết bị.
Quyết định của Gazprom sẽ giảm lượng khí đốt hàng ngày tới châu Âu qua Nord Stream 1 xuống còn 33 triệu m3 mỗi ngày, tương đương 20% công suất. Chính phủ Đức sau đó tuyên bố không có biện minh kỹ thuật nào cho thông báo của Gazprom.
Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn của Nga cho châu Âu, mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt cho EU, nơi đã nhập khoảng 140 tỷ mét khối từ Nga trong năm 2021.
Nhiều nước châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian giảm nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, làm xáo trộn kế hoạch tích trữ cho mùa đông và đẩy cuộc khủng hoảng khí đốt tại khu vực leo thang. Trong khi đó, Nga nói rằng họ là nhà cung cấp đáng tin cậy, khẳng định các lệnh trừng phạt phương Tây là yếu tố gây ra vấn đề với nguồn cung đến châu Âu.
Hồng Hạnh (Theo AFP)