Trong một thông cáo đưa ra hôm nay, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại Federica Mogherini và ủy viên Johannes Hahn của EU cho hay họ "quan ngại" về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo BBC, hai quan chức hàng đầu EU đề nghị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tôn trọng luật pháp, quyền và tự do.
Họ cũng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ quanh quyết định tạm ngừng tham gia Công ước Nhân quyền châu Âu, cho rằng động thái này phải tuân thủ các điều kiện kèm theo.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng thích hợp với âm mưu đảo chính.
Hàng nghìn quân nhân, trong đó có các tướng lĩnh cấp cao, và các quan chức tư pháp đã bị bắt giữ sau cuộc đảo chính thất bại ngày 15/7. Hơn 50.000 nhân viên nhà nước cũng bị sa thải hoặc đình chỉ công việc, 600 trường học bị đóng cửa.
Các học giả bị cấm ra nước ngoài và hiệu trưởng các trường đại học bị buộc từ chức. Chính phủ cũng thu hồi 34 thẻ nhà báo.
Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo tại Mỹ Fethullah Gulen đứng sau âm mưu đảo chính. Ông Gulen được cho là nhận được nhiều sự ủng hộ từ quân đội và các tổ chức nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông bác bỏ cáo buộc này.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách dẫn độ giáo sĩ này nhưng Mỹ cho rằng Ankara cần cung cấp bằng chứng thuyết phục cho thấy sự dính líu của ông tới nỗ lực đảo chính.
Xem thêm: Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ - cuộc đối đầu giữa hai viên tướng
Anh Ngọc