Kế hoạch RePowerEU được Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 18/5 vạch ra ba hướng hành động để cắt giảm phụ thuộc năng lượng Nga, gồm chuyển sang nhập khẩu khí đốt từ nguồn cung khác ngoài Nga, thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo và tăng nỗ lực tiết kiệm năng lượng.
Brussels kỳ vọng các chính phủ thành viên đầu tư tổng cộng 221 tỷ USD đến năm 2027 cho kế hoạch này. Các khoản đầu tư bao gồm 90 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, 28 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng hydrogen, 30 tỷ USD cho mạng lưới điện và 59 tỷ USD đẩy mạnh phát triển thiết bị bơm nhiệt và giải pháp tiết kiệm năng lượng.
RePowerEU cũng chi 10,5 tỷ USD cho hàng chục dự án khí đốt và khí đốt hóa lỏng (LNG) và tối đa 2 tỷ USD cho dầu mỏ hỗ trợ các quốc gia Đông Âu và Trung Âu. Số tiền đầu tư cho kế hoạch này có thể lên tới 314 tỷ USD đến năm 2030.
EC muốn các quốc gia thành viên sử dụng quỹ phục hồi hậu Covid-19 trị giá hơn 210 tỷ USD của EU để đầu tư cho kế hoạch này.
Cơ quan này đề xuất nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của EU lên mức 45% vào năm 2030, thay vì mục tiêu 40% như hiện nay. Điều này đồng nghĩa là EU sẽ tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo lên 1.236 gigawatt (GW) vào năm 2030 và ra quy định đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép cho các dự án năng lượng gió và mặt trời.
EC còn dự tính tìm nhà cung LNG từ Canada và Algeria trong ngắn hạn để thay thế 155 tỷ m3 khí đốt nước này cung cấp cho châu Âu mỗi năm. Brussels cũng sẽ khởi động một kế hoạch hỗ trợ quá trình đàm phán hợp đồng mua chung khí đốt của các nước thành viên.
EU đặt mục tiêu giảm 30% nhu cầu khí đốt vào năm 2030 theo các mục tiêu của khối nhằm chống lại biến đổi khí hậu, song nhiều nước thành viên vẫn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu này để sưởi ấm, sản xuất điện và phục vụ các ngành công nghiệp.
Các nhà phân tích cảnh báo trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, an ninh năng lượng của châu Âu có thể bị đe dọa khi vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, trong bối cảnh Moskva được cho là đang sử dụng khí đốt như một công cụ gây sức ép với EU. Nga hiện cung cấp 40% khí đốt và 27% dầu cho nhu cầu tiêu thụ của EU.
Đức Trung (Theo Reuters)