"Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông ấy không nói chơi. Cần phải nói rõ rằng những người ủng hộ Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước thành viên, Mỹ và NATO cũng không nói chơi", quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell phát biểu tại buổi khánh thành Học viện Ngoại giao ở Brussels, Bỉ hôm nay.
"Bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào chống lại Ukraine đều sẽ có câu trả lời. Không phải đáp trả bằng hạt nhân mà là phản ứng quân sự mạnh mẽ đến mức quân đội Nga sẽ bị hủy diệt", quan chức này nói thêm.
Lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine tăng lên sau khi Tổng thống Putin ngày 21/9 nói Moskva có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ".
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov sau đó giải thích nước này "không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân", đề cập học thuyết quân sự Nga quy định chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân để tự vệ khi quốc gia bị đe dọa. Tuy nhiên, ông Ryabkov cho biết Nga đang cảnh báo phương Tây rằng có những nguy cơ đối với sự can thiệp của họ vào Ukraine và hối thúc Mỹ tránh tình huống có thể dẫn đến đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
Giới chức phương Tây và Ukraine đều cho rằng phải xem xét cảnh báo từ lãnh đạo Nga "một cách nghiêm túc", đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay tiếp tục cảnh báo sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Nga sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào chống lại Ukraine.
"Chúng tôi sẽ không đề cập rõ ràng phản ứng chính xác như thế nào, nhưng tất nhiên điều này về cơ bản sẽ thay đổi bản chất xung đột. Điều đó có nghĩa là một lằn ranh rất quan trọng đã bị vượt qua. Ngay cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhỏ hơn cũng sẽ là điều rất nghiêm trọng, làm thay đổi bản chất của cuộc chiến ở Ukraine", ông Stoltenberg nói, thêm rằng NATO sẽ vẫn "rất cảnh giác" trong những tuần tới khi Nga tổ chức tập trận hạt nhân.
NATO nhiều lần cảnh báo Nga, nhưng không đe dọa sử dụng kho vũ khí hạt nhân để đáp trả vì Ukraine không phải thành viên trong liên minh. Mỹ và NATO cho đến nay vẫn không can thiệp quân sự vào xung đột Ukraine vì lo ngại có thể châm ngòi xung đột hạt nhân thảm khốc với Nga.
Nga là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân mà nước này sở hữu. Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)