Kết quả phân tích thực hiện trong hơn ba tháng tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) Tây Ban Nha, Ba Lan và Slovakia cho thấy X không tuân thủ bộ quy tắc về chống thông tin sai lệch, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Vera Jourova nói ngày 26/9.
X, trước đó gọi là Twitter, là một trong những công ty mạng xã hội tham gia bộ quy tắc hành động tự nguyện của EU khi nó được triển khai năm 2018. Tuy nhiên, công ty đã rút lui hồi tháng 5. Twitter được tỷ phú Elon Musk mua lại hồi tháng 10/2022 rồi đổi tên.
"X, không còn tham gia bộ quy tắc, là nền tảng có tỷ lệ các bài viết chứa thông tin sai lệch lớn nhất", theo bà Jourova. Xếp ngay sau X là Facebook của Meta.
Tỷ phú Musk và X chưa bình luận về thông tin.
Bà Jourova bình luận sau khi 44 công ty, trong đó có Meta, Google và TikTok, đã nộp báo cáo về việc tuân thủ bộ quy tắc trong nửa đầu năm 2023.
Dù mang tính tự nguyện, bộ quy tắc vẫn góp phần củng cố cho Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) mà EU triển khai hồi tháng 8 nhằm tạo ra môi trường Internet an toàn và minh bạch cho người dùng. Nếu vi phạm DSA, các công ty mạng xã hội sẽ đối mặt các án phạt nặng, có thể lên tới 6% tổng doanh thu toàn cầu.
"Tỷ phú Musk nên hiểu rằng rời khỏi bộ quy tắc không đồng nghĩa đã thoát thế khó, bởi giờ đây chúng tôi đã triển khai DSA", bà Jourova bổ sung. "Thông điệp của tôi dành cho Twitter là phải tuân thủ DSA. Chúng tôi sẽ theo dõi những gì bạn làm".
Ông Musk đối mặt sự chỉ trích với cáo buộc lan truyền thông tin tuyên truyền của Nga trên X. Một báo cáo của EC cho rằng những thay đổi trong chính sách an toàn của X đã dẫn đến tình trạng này.
EU mong muốn các nền tảng trực tuyến nỗ lực đối phó thông tin sai lệch trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Theo bà Jourova, nguy cơ từ "các chiến dịch trực tuyến do Nga thực hiện là đặc biệt nghiêm trọng" và Google đã loại bỏ hàng trăm kênh trên YouTube nghi liên quan hoạt động tuyên truyền của Moskva trong 4 tháng đầu năm.
Như Tâm (Theo AFP, Business Insider)