Nhạc phẩm do ba thành viên DTAP viết, sử dụng thể loại world music pha chút house tạo nên tiết tấu dồn dập, vui tươi. Mở đầu là tiếng sáo gợi nên khung cảnh cổ tích, câu chuyện tuổi thơ mẹ kể. Erik thể hiện luôn phần rap, mang âm hưởng hào hùng, được lặp đi lặp lại.
* Ca khúc "Máu đỏ da vàng" - Erik và DTAP giới thiệu tối 24/11
Lời ca khúc kể về con người Việt Nam vươn lên từ khó khăn, bằng sức mạnh đoàn kết có thể vượt qua mọi thử thách. Là người Việt, ở đâu cũng luôn hướng về quê nhà.
"Sinh ra
Máu trong tim ta đất trong tâm hồn
Lời mẹ ru ới a
Con người đã qua gian khổ
Vẫn luôn kiên cường
Đất cũng nở hoa
Nơi đây có những câu chuyện
Vang danh khắp mọi nơi xa
Cầm bụi tre đánh tan quân thù tựa như Thánh Gióng
Những điều nhỏ bé góp nên đại thành công
Nơi đây có những con người
Hiên ngang giữa núi rừng bao la
Tự hào tôi máu đỏ da vàng một lòng sắt đá
Vì bao nhiêu khó khăn cũng đã vượt qua".
Ca sĩ nói: "Trước đây tôi gò ép bản thân, chưa được là chính mình. Giờ tôi thỏa sức làm điều mình thích, sáng tạo, để mang đến cái nhìn mới cho khán giả".
Thành công của Nam quốc sơn hà một tháng qua khiến êkíp áp lực. Khi tung teaser cách đây hai ngày, nhiều fan kỳ vọng có thêm hit mới giữa Erik và DTAP. Erik nói: "Tôi không dám đặt kỳ vọng Máu đỏ da vàng được chú ý như bài hát trước, chỉ biết cứ làm hết mình. Khán giả cảm nhận được tình cảm, tinh thần mà bài hát mang đến là tôi vui rồi".
Erik tên thật là Lê Trung Thành, sinh năm 1997 ở Hà Nội. Sau khi rời nhóm nhạc Monstar, anh ghi dấu ấn qua nhiều ca khúc như Lạc nhau có phải muôn đời, Yêu chưa bao giờ là sai, Chạm đáy nỗi đau, Em không sai chúng ta sai...
DTAP gồm ba bạn trẻ Thịnh Kainz (sinh năm 1996 - đảm nhận viết giai điệu), Kata Trần (sinh năm 1997 - viết ca từ) và Tùng Cedrus (sinh năm 1998 - hòa âm, phối khí). Họ từng đứng sau thành công album Hoàng của Hoàng Thùy Linh năm 2019. Nhóm thường đưa các nhạc cụ dân gian như sáo trúc, đàn bầu, làn điệu dân ca... kết hợp với phần lời hiện đại để gửi thông điệp. Mong muốn của nhóm là khiến khán giả trẻ quan tâm đến truyền thống văn hóa dân tộc nhiều hơn.
Tân Cao