Thứ bảy, 27/10/2018, 11:16 (GMT+7)

Eric Cantona và một cuộc đời ý nghĩa

Danh thủ Man Utd kể lại chuyện đời trên The Players' Tribune, trong đó hé lộ quan niệm về bóng đá cũng như cuộc sống sau khi giải nghệ ở tuổi 30.

Bóng đá khiến đời ta có ý nghĩa.

Tôi hoàn toàn tin vào điều ấy.

Nhưng tôi cũng tin rằng đời ta, quá khứ và bản chất con người ta, cũng giúp bóng đá thêm phần ý nghĩa.

Tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện mà mình hiếm khi chia sẻ với ai. Kể để bạn biết vì sao có một con người như Eric Cantona. Chuyện này xảy ra... từ trước khi tôi chào đời.

Chỉ thi đấu cho Man Utd năm năm (1992-1997) nhưng được xem là huyền thoại bất tử của CLB. Không chỉ bởi những danh hiệu giành được cùng đội chủ sân Old Trafford, mà bởi khí chất ông thể hiện trên sân.

Đấy là năm 1939, nội chiến Tây Ban Nha vẫn đang diễn ra. Ông ngoại của tôi là người Barcelona, quyết sống mái để chống lại độc tài Franco. Chinh chiến tàn, ông bị truy sát gắt gao và chỉ còn vài phút để tháo chạy, trước khi lính Quốc gia chiếm thành phố.

Ông phải vượt qua dãy Pyrenees để đến được nước Pháp. Đây là vấn đề sinh tử, làm gì còn thời gian để từ biệt ai.

Vậy mà, trước khi rời đi, ông vẫn cố gắng gặp cô bạn gái, và hỏi nàng: “Em có muốn theo anh không?”

Năm ấy ông 28, nàng mới 18. Nếu rời quê theo chàng, nàng sẽ bỏ lại sau lưng gia đình, bạn bè, tất cả mọi thứ.

Nhưng nàng đã đáp: “Dạ, em theo”.

Nàng là bà ngoại tôi đấy!

Rồi hai người cùng nhau trải qua những trại tị nạn ở Argelès-sur-Mer, bờ biển nước Pháp. Hơn 100.000 người Tây Ban Nha đã được tiếp nhận ở đó. Thử tưởng tượng chuyện gì sẽ diễn ra nếu nước Pháp quay lưng với số phận của họ? Thật may, tình người đã trỗi dậy.

Cantona mang trong mình dòng máu Italy, Tây Ban Nha, và được nuôi dưỡng, lớn lên ở Pháp. 

Ông bà tôi đến được đây đã là hạnh phúc, còn nói chi đến chuyện tài sản. Họ phải làm lại với hai bàn tay trắng. Nhưng sau một thời gian, người tị nạn được tạo cơ hội để xây một con đập tại Saint-Étienne Cantalès. Đời nhập cư bắt đầu từ đó, ta làm điều phải làm, đi đến nơi phải đến. Và làm lại cuộc đời.

Mẹ tôi ra đời không lâu sau đó, và cả nhà dời về Marseille.

Câu chuyện này chính là về nguồn gốc của tôi. Và nguồn gốc ấy đã tạo nên con người tôi. Nhưng chuyện đời của ông bà hiện lên trong đầu tôi như một giấc mơ. Không có hình ảnh, chỉ còn câu chuyện. Không còn gì để sờ, để thấy. 

Thế rồi, năm 2007, "Vali Mexico" được tìm thấy trong một ngôi nhà ở Mexico. Trong những chiếc vali ấy là 4.500 tấm phim âm bản của nhiếp ảnh gia Robert Capa, chụp ngay trong biển lửa cuộc nội chiến Tây Ban Nha, đã thất lạc hơn 60 năm. Làm cách nào những chiếc vali này lại đến tận Mexico, không ai biết.

Cuộc sống dạy tôi một điều: Vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong những thời khắc nhỏ nhất.

Tôi rất tò mò về việc này. Nên khi nghe tin có triển lãm ảnh tại New York, tôi lập tức bay sang cùng vợ mình.

Hầu hết bức ảnh chỉ là những tấm phim âm bản nhỏ bé. Hàng nghìn bức như thế. Chỉ có thể xem chúng dưới kính lúp. Nhưng một vài bức ở trung tâm triển lãm thì được rửa lớn. Có bức cao đến gần ba mét. Và người trong ảnh có kích thước như người thật. Nhìn họ, ta như chạm được vào lịch sử.

Đấy là lúc tôi nhìn thấy ông ngoại mình.

Việc này nghe phi lý quá, phải không?

Nhưng ông đã ở đó, trong dáng hình của một chàng trai trẻ. Tôi có cảm giác mạnh mẽ đấy là ông mình, dù không thể chắc 100%. Tôi đã bao giờ nhìn thấy hình ảnh ông của thời còn trẻ đâu. Thế nên khi cuộc triển lãm đến nước Pháp vài tháng sau đó, tôi đã dẫn mẹ tới xem. Hai mẹ con lại nhìn vào người thanh niên ấy.

“Phải ông không mẹ?”

“Ông đó con. Ảnh chụp trước khi mọi người vượt núi”.

Thật phi thường.

Hãy tưởng tượng sẽ ra sao nếu ông tôi không thể tới được nước Pháp. Sẽ ra sao nếu bà ngoại tôi không chịu đi theo. Có khi mẹ tôi đã chẳng tồn tại, và tôi cũng chẳng có trên đời. Tuy nhiên, đây mới là một nửa câu chuyện. Bởi vẫn còn một bức ảnh khác đã kiến tạo đời tôi.

Cantona thừa nhận có gene mạnh mẽ từ những biến cố của gia đình ở các đời ông cha. 

Ông bà cố nội của tôi cũng là người nhập cư. Họ rời Sardinia đến Pháp để tìm đường thoát nghèo vào năm 1911. Ba năm sau khi đến Pháp, ông cố bị điều đi tham chiến ở Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông bị đánh gas độc nặng đến mức những năm cuối đời phải hít khuynh diệp để có thể dễ thở hơn.

Con trai của ông, tức ông nội tôi, chiến đấu cho Pháp trong Thế chiến thứ II. Khi vãn chiến, ông về làm thợ xây. Vất vả làm lụng, rốt cục ông cũng đủ tiền mua một mảnh đất của riêng, trên một ngọn đồi Marseille. Trên đồi có một cái hang nhỏ. Khi ông nội tôi xây nhà, cả nhà đã dắt díu vào chính cái hang đó mà sống trong suốt hai năm. Thứ duy nhất họ dùng để sưởi ấm trong hang là một cái lò. Nghe có vẻ như truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, nhưng đã có một bức ảnh ghi lại quãng đời đó. Trong bức ảnh được chụp vào năm 1956 ấy, ông bà và bố tôi đang ngồi trong hang, trùm chăn cho đỡ lạnh.

Ông tôi xây nhà hết năm này sang năm kia. Đầu tiên ông xây một gian lõm vào trong, rồi một mái hiên, cuối cùng là một căn nhà thực sự cho bố mẹ tôi. Tôi đã lớn lên trong căn nhà ấy. Đấy là điều mà tôi được thừa hưởng, đó là máu huyết của tôi. Một trong những ký ức đầu tiên của tôi là phải vác tới 10 bao cát lên đồi để phụ xây nhà, lúc ấy vẫn chưa xong. Chỉ khi nào vác cát xong, tôi mới được phép đi đá bóng. Ban ngày bố tôi xây nhà, ban đêm ông làm thêm nghề y tá cho một bệnh viện tâm thần.

Vì sao bố tôi lại làm y tá cho cái bệnh việc đặc biệt ấy? Vì cha đỡ đầu của bố là một bệnh nhân ở đó. Tên ông là Sauveur, anh trai của ông nội. Ông bị cầm tù suốt năm năm của Thế chiến thứ hai. Sau tất cả tra tấn nhục hình, ông phát điên và phải chuyển về bệnh viện Edouard Toulouse. Bố tôi rất thân với Sauveur, và căn bệnh của người cha đỡ đầu thôi thúc bố tôi phải trở thành một điều dưỡng tâm lý.

Trước khi sang Anh chơi cho Leeds rồi Man Utd, Cantona từng khởi nghiệp đỉnh cao ở Auxerre rồi Marseille. 

Gia đình tôi đó. Lịch sử của tôi đó. Tâm hồn của tôi đó. Tôi đã sống ở mọi nơi trên thế giới. Mới năm ngoái tôi, tôi còn mua một điền trang ở Sardinia để tái kết nối với lịch sử của gia đình. Nhưng tôi vẫn sẽ yêu Marseille với trọn vẹn trái tim mình, vì những ký ức ấy đã tạo nên tôi của ngày hôm nay. Marseille mãi là thành phố của tôi.

Khi người ta hỏi về lối chơi đặc trưng của tôi, Marseille chính là câu trả lời. Bóng đá khiến cuộc sống thêm ý nghĩa, nhưng cuộc sống cũng làm bóng đá ý nghĩa hơn. Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ chia sẻ những câu chuyện mang tính cá nhân này, đặc biệt là người cha đỡ đầu của bố tôi. Khi nói về những điều đó, tôi e sợ các thiên thần sẽ quở phạt. Nhưng tôi vẫn quyết định chia sẻ điều này, vì ông là một nhân vật quan trọng trong lịch sử của chính tôi.

Chúng tôi đã sinh tồn qua tất cả, từ nghèo đói, chiến tranh và tị nạn. Trên thế giới có biết bao người không thể mua nổi một quả bóng, chứ nói gì đến việc bỏ 240 đôla ra xem một trận Ngoại hạng Anh, gần 500 đôla cho một năm xem bóng đá trên truyền hình. Bóng đá là một trong những thầy giáo giỏi nhất trên đời. Nó là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất. Nhưng mô hình kinh doanh hiện tại đã phớt lờ quá nhiều nghĩa vụ giáo dục của nó.

Những làng quê nghèo cần bóng đá nhiều như bóng đá cần quê nghèo. Chúng ta cần cổ vũ một nền bóng đá tích cực, bền vững và hòa nhập hơn. Đấy là lý do tôi trở thành người đại diện đầu tiên cho quỹ Common Goal, huy động 1% thu nhập từ bóng đá để đầu tư cho bóng đá cơ sở. Hơn 60 cầu thủ đã đồng ý hiến 1% lương hàng tháng của họ cho quỹ. Điều tuyệt vời là họ đến từ các CLB lớn lẫn nhỏ, nữ lẫn nam và từ mọi nơi trên thế giới.

Cantona cảm thấy tự do khi được chơi dưới trướng Alex Ferguson ở Man Utd. Nhưng ông vẫn quyết định dừng lại 

Bóng đá phải dành cho quần chúng. Điều này đâu có gì bất khả thi. Không có lý do gì để những ngôi sao lớn nhất không cùng chung tay và cổ vũ cho khía cạnh xã hội của bóng đá. Chúng ta, dù giàu hay nghèo, dù là dân nhập cư hay đã định cư đến thế hệ thứ 10, đều cảm nhận chung niềm vui mà bóng đá mang lại. Chúng ta nói cùng ngôn ngữ, có cùng tần số cảm xúc.

Đi đâu, tôi cũng nghe người ta hỏi: “Cảm giác được chơi cho Man Utd thế nào? Sao anh có thể chơi hay thế?”

Họ thích những bí mật, nhưng câu trả lời lại rất đơn giản. Sir Alex Ferguson là bậc thầy của một điều duy nhất: Bất cứ khi nào chúng tôi vào sân, sau nhiều giờ vất vả trên sân tập, ông ấy cho tất cả tự do. Cứ di chuyển đến nơi mình muốn và chơi theo cách mình muốn.

Tôi không chịu nổi một thứ bóng đá khác.

Vậy bóng đá là gì, nếu không phải là sự tự do?

Thế nên hãy làm ơn hỏi tôi câu hỏi này, và hãy mang câu hỏi ấy đến mọi cầu thủ, mọi người đại diện, mọi nhà bảo trợ và mọi hội động.

Bóng đá là gì, nếu không phải là sự tự do?

Tôi nghĩ chúng ta có thể làm nhiều hơn cho nhân loại.

Bạn đã biết lịch sử của tôi. Tôi đến từ một gia đình nhập cư, của những người phản kháng, những người lính và những công nhân. Chúng tôi không có nhiều thứ khi tôi còn nhỏ. Nhưng cuộc sống dạy tôi một điều: Vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong những thời khắc nhỏ nhất.

Một cuộc picnic nhỏ. Ba bộ vớ cuộn lại thành một quả bóng. Ta chơi bóng dưới ánh mặt trời và nằm trên bãi cỏ. Ta hân hoan vì mọi thứ, ngay cả khi không có gì.

Khi rời xa bóng đá ở tuổi 30, bạn biết tôi làm gì không? Tôi đã làm một điều thật đặc biệt. Tôi trở về thành phố nơi ông bà tôi đã phải rời đi vào năm 1939.

Tôi đang sống ở Barcelona!

Hoài Thương