Tên ngựa được xướng lên trong sự cổ vũ cuồng nhiệt ở trường đua. Trên lưng ngựa, những thân hình nài bé bỏng rạp mình quất roi thúc liên tục giục ngựa lao về đích. Nhìn những nài ngựa người ta chỉ có thể đoán chừng đây chỉ là những đứa trẻ mới 12-13 tuổi.
“Tụi con đều đã 16-17 tuổi cả rồi. Đứa nhỏ nhất cũng đã 15 tuổi. Nhưng nghề này buộc nài như con phải biết ép xác xuống ký tối đa”, nài ngựa tên Phương ốm nhách, đen thui thủi, đã 17 tuổi mà chỉ cao chưa đến 1,4 m, tâm sự.
![]() |
Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Một con ngựa đua thành công thường phụ thuộc ba yếu tố: khả năng của ngựa, đường đua và tài năng của nài. Nhưng khả năng của nài là quan trọng nhất. Nài có thể quyết định đến 70-80% khả năng chiến thắng của ngựa. Hiện có hơn 40 nài tham gia thường xuyên ở trường đua Phú Thọ, phần lớn là dân ở “lò” nuôi ngựa tại Đức Hòa (Long An) và một số ít ở vùng ven TP HCM như Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, quận 8... Nhưng người ta thường ít cần biết tên nài, tên ngựa mới là quan trọng. Nài ngựa là những vận động viên vô danh.
Để trở thành “nài chiến” thực thụ, các nài phải rèn luyện như vận động viên chuyên nghiệp. Từ 4-5h sáng, các nài phải vệ sinh chuồng trại cho ngựa và tập luyện cùng vòng sân đấu rộng 1.800 m2 với đầy đủ các tư thế trên lưng ngựa qua các kỹ thuật phi tốc độ, bứt phá...
Tập luyện xong, nài lại làm phận sự của người nuôi ngựa, cho ngựa ăn uống, rồi luyện tập ca trưa, ca chiều. Nài Phương cho biết tất cả nài ngựa đều phải thực hiện chế độ “ăn kiêng, ép xác”, giữ cho cơ thể không quá 35 kg. Kiêng ăn và kiêng cả ngủ. Mỗi tuần chỉ ăn vài bữa cơm vào những ngày cuối tuần và mỗi bữa chỉ được ăn hơn một bát.
Nhiều chủ ngựa còn bắt các nài áp dụng những “tuyệt chiêu” rất nguy hiểm như uống cà phê đắng pha giấm để triệt các chất béo trong người. Nhưng biện pháp giảm cân nhanh nhất mà các nài đều khiếp sợ chính là “xông khô”, tức là các cậu bé phải chui vào thùng phuy đậy kín nắp lại và đốt đèn cầy bên trong cho ra mồ hôi!
Nài Vượng với thành tích 18 lần về nhất trong năm thổ lộ do ít ăn, ít uống, phải thường xuyên “xông khô” nên cậu luôn sống trong trạng thái lơ mơ như “người cõi trên”. Mỗi khi ngồi trên lưng ngựa, các nài đôi khi mơ màng như một người “nghiện” ngựa với thúc bách duy nhất là làm bất cứ giá nào để giục ngựa mình về đích.
Khổ luyện mưu sinh
Các nài ngựa ở trường đua Phú Thọ đều cho biết đây là một nghề rất nguy hiểm. Sợ nhất là khi đua bị ngã, chân còn dính vào bàn đạp hay tệ hơn là ngã đúng vào vó ngựa đua đang lao tới từ phía sau. Đã có rất nhiều nài ngựa bị ngã gãy chân hay chấn thương đầu phải nằm viện cả mấy tháng hoặc mang thương tật suốt đời vì ngã vào vó ngựa. Nhưng tai nạn vẫn chưa phải là thứ sợ nhất của nài.
Nghề nài ngựa có tuổi thọ rất ngắn, giai đoạn phong độ cao nhất chỉ kéo dài 2-3 năm. Và họ phải luôn là những “đứa trẻ không thích lớn”, phải chịu “ép xác” liên tục. Nài Long, đã giải nghệ, kể năm 16 tuổi, một hôm anh lên cân thấy xấp xỉ tới 40 kg. Còn ba ngày nữa là đến cuộc đua, chủ ngựa bắt phải bằng mọi cách trong ba ngày giảm 5 kg, nếu không thì ông phạt cắt lương, cho nghỉ.
"Sợ quá, tôi chỉ dám ăn cháo, nhịn ngủ. Ông chủ vẫn chưa chịu, ông bắt phải ngồi trong thùng phuy xông đèn cầy suốt từ sáng tới chiều, chỉ cho nghỉ giải lao mỗi giờ được năm phút. Xông rồi bước ra ngoài mà hai giò run bước không nổi, vậy mà chủ chỉ cho húp miếng cháo cầm hơi. Đêm trước ngày đua, chủ lại bắt uống thuốc xổ, cả đêm tôi ngồi trong nhà vệ sinh. Sáng ra, người tôi dẹp lép như con tép, nhìn vào gương chẳng còn nhận ra mình. Đến khi lên cân ở trường đua tôi còn đúng 35 kg. Thật khủng khiếp!”, Long kể.
![]() |
Hôm nào có lịch học ngày thứ bảy là nài ngựa Nguyễn Thanh Phong phải nghỉ để đi đua. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Chẳng ai muốn mình phát triển không bình thường, nhưng hầu hết nài đều có hoàn cảnh rất nghèo, lại là lao động chính trong gia đình, ngồi trên lưng ngựa mà “gánh” đến 5-6 miệng ăn. Bởi vậy, không cố bám lưng ngựa mưu sinh thì lấy gì lo cho gia đình”, Phương nói già dặn như người lớn. Cậu bé này làm nài nuôi cả gia đình 5 miệng ăn.
Vừa xong vòng đua, Thanh từng có thành tích về nhất 28 lần qua các cuộc đua, lần này về thứ hai, bước đi loạng choạng vì kiệt sức song cũng cố bước nhanh về phía cha mình đang nhận số tiền thưởng. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên mặt, cậu mở một nụ cười rạng rỡ: “Mệt đến lả cả người. Nhưng nghĩ đến số tiền thưởng vài trăm ngàn đủ lo cho cả gia đình trong tuần này, con vui lắm”.
Cách đó không xa, một chú nài ngựa vừa bị ngã lăn xuống đất do con ngựa trở chứng đang được các nhân viên y tế xem có còn đủ khả năng dự đua tiếp tục hay không. Cậu bé nài ngựa mặt xanh mét, tay chân lấm đầy máu và cát, nhưng cũng ráng gượng đứng dậy nài nỉ trọng tài và các nhân viên y tế cho cậu được tiếp tục trở lại đường đua. Cha mẹ cậu đang ngồi bên ngoài để chờ con kết thúc cuộc đua có ít tiền mua gạo cho cả gia đình 9 người có bữa cơm chiều.
“Trường đào tạo” nài ngựa
Hầu hết nài ngựa đều xuất thân từ con nhà nòi. Họ được truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối, gia đình có mấy đời đều làm nài. “Lò” đào tạo nài ngựa ở vùng Đức Hòa (tỉnh Long An) được xem như “trường đào tạo” nài lớn nhất Việt Nam.
Từ sáng sớm, khắp các con đường làng Tân Hòa (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) đã thấy hàng trăm chú nài chạy bộ, cưỡi xe đạp dắt ngựa chạy lọc cọc trên đường. Một ngày huấn luyện mới lại bắt đầu như mọi ngày ở đây từ hơn trăm năm qua. Làng này được xem là “lò” nuôi ngựa đua nên nhà nào cũng nuôi vài ba con. Những đứa bé được gia đình giao đi chăn ngựa từ khi còn bé nên đã làm quen với việc ngồi trên lưng ngựa từ rất sớm.
Vùng Mỹ Hạnh, Đức Lập Hạ và Đức Lập Thượng (Long An) được xem là “lò” nuôi ngựa đua và cung cấp nài cho cả nước. Cứ 10 gia đình thì có đến chín gia đình sống bằng nghề nuôi ngựa. Tính ra ba xã có khoảng 110 hộ nuôi ngựa, số lượng khoảng trên 1.000 con. Mỗi năm có 65 con ngựa xuất chuồng, chiếm gần 2/3 ngựa đua ở trường đua Phú Thọ (TP HCM). |
Nài Vũ 1, khá nổi tiếng hiện nay ở trường đua vì từng liên tục đoạt giải nhất, xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nài ngựa. Vũ 1 là cháu ruột của hai nài nổi tiếng trước năm 1975 là Lê Văn Một và Lê Phước Hải. Còn nài Thành 2 cũng có ông ngoại, các cậu và anh trai từng làm nài. Cũng xuất thân từ “lò” nài ngựa vùng này, nài Thành 3 có ba anh em đều từng mưu sinh trên lưng ngựa. Nài Du cũng là con, cháu những cựu nài nổi tiếng…
Trời chưa hừng đông, nài ngựa Nguyễn Thanh Phong đã nhanh bước dắt con ngựa xám ra sân để bắt đầu một ngày vất vả dượt ngựa. Đi cạnh con ngựa cao lớn lênh khênh, dáng Phong nhỏ bé. Chiều cao chỉ bằng bụng ngựa, vậy mà thoắt một cái, Phong đã nhảy phóc lên lưng ngựa ngồi chễm chệ như kỵ sĩ thứ thiệt. Cậu cầm dây cương, hai chân thúc vào hông ngựa hướng ra đồng cỏ, phóng như bay.
Ông Nguyễn Văn Phẫn, cha của Phong, tự hào nói: “Nó đi nài tuần nào cũng đem về hai, ba triệu đồng. Các chủ ngựa ai cũng mê nó, cứ thấy nó là bắt nài cho bằng được”. Thành tích của Phong thật đáng nể, từ đầu năm 2007 đến nay, Phong đã đoạt 33 giải nhất, không kể nhì, ba, kiếm được trên dưới 30 triệu đồng phụ giúp gia đình. “Mà tụi nhỏ xóm này cũng lạ, ngựa chứng cỡ nào tụi nó cũng thuần được hết”, ông Phẫn nói.
Cả xóm có đến hơn 20 “kỵ mã” như Phong. Các nài này còn may mắn hơn bạn trong xóm vì vừa đi học, vừa đi làm nài. Phần lớn những đứa trẻ khác bỏ học giữa chừng. Các nài như Dũng, Quân 2, Quân 3, Cường 1, Phong 2, Sơn 3... có em mới học lớp 1, 2 rồi bỏ học nửa chừng, tất cả lao vào gió bụi trường đua để mưu sinh.
Những tuổi thơ bị đánh mất
“Hôm nào có lịch học ngày thứ bảy là Phong phải nghỉ để đi đua. Thấy nó bỏ học, tôi cũng rất lo nhưng đã theo nghề biết làm sao được”, mẹ Phong lo lắng về việc học của con bị gián đoạn. Ngay cả những buổi thi học kỳ vừa rồi, Phong cũng đã bỏ thi để đi đua ngựa.
Nói về tương lai đứa con mình, giọng bà Phẫn, mẹ Phong chùng xuống: “Tương lai chắc cũng không khá hơn cha chú nó. Ngày xưa nhà tôi đua ngựa còn mua đất, mua nhà, sắm sửa xe cộ, ngày nay trước mắt thấy chỉ có được ít tiền. Chắc cả cuộc đời nó rồi cũng là dắt ngựa, cắt cỏ, nuôi ngựa mướn thôi, chứ có cái chữ đâu mà ngẩng mặt với đời!”.
Nài Thành kể do suốt ngày đi quần ngựa nên cậu thường xuyên trốn học, học lực ngày càng yếu. Nhà trường mời gia đình lên trao đổi về việc học của Thành nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó, lưu ban mấy năm liền nên cậu đã bỏ học. Thành buồn bã: “Thôi kệ, tương lai của con coi như chỉ còn gắn với bầy ngựa. Mai mốt lớn lên người ta không cho làm nữa thì xin làm người dàn cờ, dượt ngựa. Các em con cũng định đi làm nài nhưng con cản, nói tụi mày ráng học để cuộc đời không giống như anh. Chỉ có học mới vươn xa khỏi cái lò ngựa này”.
Ông Thơm, một chuyên gia huấn luyện nài ở đây, chỉ tay về mấy căn nhà tranh lụp xụp phía xa xa trong xóm và cho biết: “Đó là những gì còn lại của nài Hùng có tiếng một thời, lúc hết thời về cưới vợ phải đi mần mướn. Còn cạnh đó là nhà nài Giang, cha mẹ có ruộng đất để lại nhưng do quen cách ăn chơi ở trường đua ngựa từ nhỏ nên cuối cùng cũng phải đi dẫn ngựa mướn kiếm sống”.
Thậm chí cựu nài danh tiếng như nài Bính từng thắng nhiều giải đua lớn, tiền bạc xài như nước, vang bóng một thời, về sau đâm ra quậy phá, hút chích, sinh trộm cắp nên phải vào trại Bố Lá “gỡ lịch” 3-4 năm.
* Tên một số nài ngựa đã được thay đổi
(Theo Tuổi Trẻ)