Một phụ huynh chia sẻ câu chuyện của mình: "Tôi và con trai chơi dưới sân khu nhà, và gặp hai mẹ con nhà bên cạnh. Cậu bé hàng xóm trạc tuổi con tôi, có lẽ khoảng 5-6 tuổi. Mặc mẹ khuyến khích: 'Ra chơi với các bạn đi con', cậu bé quanh quẩn bên chân mẹ, hay đứng chôn chân một chỗ, không chịu đến gần lũ trẻ đang chơi một góc khác. Người mẹ xem chừng sốt ruột, giọng bắt đầu cao hơn, như thúc giục: "Làm bạn tốt với các bạn khác thì mới là cậu bé ngoan chứ, đi đi nào". Nhưng đứa trẻ bắt đầu khóc.
Tôi lại gần, cúi xuống và hỏi thằng bé: 'Con muốn chơi với chúng tôi không?'. Đứa trẻ ngừng khóc, gật đầu, nhưng rồi lại ngước mắt lên đầy băn khoăn: 'Nhưng mà, con có thể không cần làm bạn với bạn ấy được chứ?'. Tôi nghĩ một hồi rồi nói: 'Tùy con. Bất kể con chọn thế nào, con vẫn là một cậu bé ngoan mà. Không cần là bạn, chúng ta vẫn có thể chơi với nhau. Ra chơi bóng đi nào'. Mắt thằng bé rạng lên vui vẻ, rồi nó nhào ra chơi với bạn.
Mẹ thằng bé nhìn theo, thở dài: 'Chị giỏi thật, chị có cách nói được thằng bé'. Còn tôi, tôi muốn nói với người mẹ rằng, đó không phải là cách tôi nói, mà là cách suy nghĩ giữa chúng tôi khác nhau mà thôi".
Có một câu hỏi từng được đặt ra trong một chương trình đào tạo giáo viên: Làm thế nào để trở thành một giáo viên giỏi?. Một số cô giáo trả lời: "Yêu đứa trẻ". Đáp án này, hẳn được nhiều người đánh giá cao, vì câu trả lời giống như câu trả lời của hầu hết các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, câu trả lời đúng nhất, trên thực tế, lại là "Hiểu trẻ".
Không có cha mẹ nào không yêu thương con trẻ. Tuy nhiên, nếu không hiểu trẻ, chúng ta sẽ không thể có cách yêu chính xác, tình yêu vì thế cũng méo mó, biến dạng. Trong trường hợp ví dụ ở trên, hẳn nhiên mong muốn con kết bạn, là bạn tốt với những đứa trẻ khác đương nhiên là tốt, nhưng người mẹ quên mất rằng định nghĩa về tình bạn của trẻ hoàn toàn khác biệt so với người lớn, dẫn đến sự thúc giục đứa trẻ bước vào một cam kết mà nó chưa sẵn sàng đón nhận.
Thế giới "tình bạn" của trẻ đơn giản hơn rất nhiều so với người lớn
Trẻ không suy nghĩ phức tạp như người lớn. Cái bàn là cái bàn, sâu bướm là sâu bướm, không có ý nghĩa phức tạp. Một người bạn cũng thế, là một người để chơi cùng, ngoài ra không có bất cứ ý nghĩa nào khác. Trẻ muốn chơi với trẻ khác, tức là chỉ vậy, chúng không nghĩ về các thuộc tính xã hội phức tạp đằng sau hành vi này.
Trong khi đó, người lớn thường phức tạp hơn: sâu bướm là loại gây hại, sờ vào có thể bẩn thỉu, không chịu kết bạn là không ngoan, không chơi ngoan với bạn là "hư"... Sự phức tạp trong tư duy của người lớn khiến bản chất vấn đề bị che khuất, khiến đứa trẻ cảm thấy bối rối. Thế nên, không khó hiểu khi người mẹ cố gắng ép buộc trẻ bằng những giá trị tư duy của người lớn, trẻ đã khóc nức nở vì bối rối.
Tôn trọng quyền "kết bạn" của con giúp định hình nhân cách
Bộ phim tài liệu "Post-00s" của Trung Quốc ra mắt năm 2017, với 5 tập, đã cô đọng sự phát triển của 5 đứa trẻ trong 10 năm, từ mẫu giáo tới tiểu học, rồi trung học. "Post-00s" được xếp hạng là một trong 10 phim tài liệu có ảnh hưởng nhất tại nước này năm 2017.
Trong "Post-00s", khán giả biết đến nhân vật được đặt biệt danh Nhất Nhất, một cô bé cá tính, độc lập từ nhỏ. Nhất Nhất khi hai, ba tuổi tính tình đặc biệt, chẳng thích chơi với ai. Em bé ăn, ngủ rất độc lập. Giáo viên lo lắng về sự hướng nội của Nhất Nhất, cho rằng sinh hoạt của cô bé không phù hợp cho sự phát triển nên yêu cầu cô bé kết bạn, tương tác nhiều hơn. Nhưng Nhất Nhất khăng khăng: "Con thích chơi một mình".
Mẹ Nhất Nhất không giống cô giáo, trái lại còn không có sự lo lắng mù quáng, mà còn đối xử bình đẳng với con, tôn trọng quan điểm của đứa trẻ. Lớn lên trong môi trường này, Nhất Nhất đi qua bậc tiểu học, cơ sở, có những đứa bạn của riêng mình, nhưng về cơ bản vẫn thích những khoảng thời gian riêng tư, một mình. Nhất Nhất luôn được đánh giá là một thanh niên có tinh thần thực sự mạnh mẽ, một thế giới nội tâm tốt. Sự hình thành nhân cách của Nhất Nhất, được đánh giá, chính vào nhờ sự hiểu biết và hỗ trợ sâu sắc của mẹ.
Nguyên tắc "kết bạn" ở mỗi người là khác nhau
Người dẫn chương trình Cao Hiểu Tùng - một MC nổi tiếng Trung Quốc từng chia sẻ, ông trải qua những năm tháng "đáy cuộc đời" vì nghiện rượu, ly hôn. Tự mình vực lại sau những thăng trầm, Cao Hiểu Tùng nói quan điểm của mình về việc kết bạn: "Tôi không cần thêm bạn bè. Tôi gần 50 tuổi rồi, và ở tuổi của tôi, tôi biết tầm quan trọng của việc thực hiện phép trừ". Hay như diễn viên Trương Thiều Hàm cũng chia sẻ: "Không phải bạn bè của tôi ít, mà là quan điểm về việc kết bạn của tôi không giống mọi người. Tôi không cần bạn bè giúp mình xây đường, mở lối cuộc đời tôi, tự tôi có đôi cánh của mình".
Những chia sẻ này không có nghĩa là mỗi người không cần đến bạn bè, điều này chỉ giải thích rằng ngay trong xã hội trưởng thành và phức tạp, các nguyên tắc, ranh giới của việc kết bạn đã rất khác nhau, không hề có sự đúng hay sai tuyệt đối. Thế nên, nếu bạn muốn con tìm ra một cách thức thích hợp nhất để lớn lên, phát triển hài hòa trong xã hội này, chính là tôn trọng quyền "chọn bạn mà chơi" của trẻ, ngay trong những năm tháng đầu đời của bé.
Bản chất của giáo dục gia đình là thay đổi từ chính cha mẹ
Nhà giáo dục Tôn Vân Hiểu từng chia sẻ: "Bản chất của giáo dục gia đình là thay đổi chính từ cha mẹ, và chìa khóa cho sự thay đổi này là tự nguyện lớn lên cùng con". Thế nên, nếu bố mẹ có thể từ bỏ các khái niệm nguyên thủy của người lớn để lớn lên cùng trẻ, phụ huynh có thể đi sâu hơn vào thế giới trẻ em và hiểu được sự thuần khiết, giản đơn của trẻ. Nhờ thế, ta sẽ không hoảng lên với câu hỏi của trẻ: "Con có thể không kết bạn được không", như câu chuyện ban đầu.
Thùy Linh (Theo QQ)