"Mảnh đại dương đáng sợ nhất hành tinh", Alfred Lansing miêu tả về hành trình vượt qua eo biển Drake của nhà thám hiểm Ernest Shackleton trên chiếc thuyền cứu sinh nhỏ. Eo biển Drake kết nối mũi phía nam của Nam Mỹ với điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực. Từng là nơi chỉ có các nhà thám hiểm và thủy thủ dày dặn kinh nghiệm qua lại, Drake ngày nay là thách thức lớn với những người muốn đến Nam Cực, và số lượng này ngày càng tăng. Họ sẽ phải mất tới 48 tiếng để vượt qua eo biển và có thể tự hào khi chuyến đi thành công.
Với chiều rộng khoảng 965 km và độ sâu lên tới 6.000 m, Drake là một vùng nước rộng lớn. Bán đảo Nam Cực, nơi các du khách ghé thăm, thậm chí không phải Nam Cực thực sự. Đó là một bán đảo hẹp dần, xoay theo hướng bắc từ châu Nam Cực và vươn về phía mũi phía nam của Nam Mỹ. Mũi này và điểm cực bắc của bán đảo Nam Cực hướng về nhau, tạo ra hiệu ứng điểm chụm. Do đó, nước bị ép giữa hai khối đất - biển tràn qua khoảng trống giữa các lục địa.
"Đây là nơi duy nhất trên thế giới những cơn gió có thể thổi khắp địa cầu mà không đâm vào đất liền, trong khi đất có xu hướng làm suy yếu bão", Alexander Brearley, nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, cho biết.
Theo Brearley, gió có xu hướng thổi từ tây sang đông, các vĩ độ từ 40 đến 60 nổi tiếng với những cơn gió mạnh. Nhưng gió bị các khối đất làm chậm lại. Đó là lý do các cơn bão Đại Tây Dương có xu hướng đâm vào Ireland và Anh, sau đó suy yếu khi tiếp tục đi về phía đông, tiến vào châu Âu lục địa.
Không có khối đất nào để làm chậm gió ở vĩ độ của eo biển Drake. Vì vậy, gió có thể thổi mạnh khắp địa cầu, tăng tốc rồi đâm vào tàu thuyền.
"Ở giữa eo biển Drake, gió có thể đã thổi qua hàng nghìn km trước khi đến đây. Động năng được chuyển đổi từ gió vào sóng và tạo nên sóng lớn", Brearley nói. Những cơn sóng này có thể đạt tới 15 m. Chiều cao sóng trung bình tại eo biển Drake thấp hơn nhiều, khoảng 4 - 5 m. Tuy nhiên, con số đó vẫn gấp đôi sóng ở Đại Tây Dương.
Gió không phải yếu tố duy nhất khiến biển động dữ dội. Eo biển Drake về cơ bản chính là một dòng nước khổng lồ dâng trào. "Nam Đại Dương nhìn chung rất 'bão tố', nhưng ở Drake, nước thực sự bị ép giữa Nam Cực và Nam bán cầu. Điều đó khiến bão trở nên mạnh hơn khi đi qua", Brearley giải thích. Ông gọi đây là "hiệu ứng phễu".
Tiếp đến là là tốc độ nước chảy qua. Eo biển Drake là một phần của dòng hải lưu lớn nhất thế giới, với lưu lượng nước lên tới 150 triệu m3 mỗi giây. Bị ép vào eo biển hẹp, dòng chảy mạnh lên, di chuyển từ tây sang đông. Điều này khiến tàu thuyền di chuyển chậm hơn một chút.
Với các nhà hải dương học, eo biển Drake là một địa điểm hấp dẫn. Nơi đây có nhiều núi ngầm, và dòng nước lớn lách qua eo biển hẹp khiến sóng đập vào những ngọn núi dưới nước. Những cơn sóng ngầm này tạo ra các dòng xoáy đưa nước lạnh từ dưới biển sâu lên trên. Quá trình này rất quan trọng với khí hậu Trái Đất.
Thu Thảo (Theo CNN)