Phát triển bởi tiến sĩ Hồ Long Phi là cựu thành viên hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, Enfarm hướng đến chuyển đổi nền nông nghiệp thế giới theo hướng phát thải thấp nhưng vẫn gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu lương thực tăng vào năm 2050.
Bộ thiết bị đo dinh dưỡng thông minh Enfarm ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra đánh giá đồng thời 4 thành phần: đất, nước, cây trồng và phân bón.
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ cảm biến trong đất và dữ liệu từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, Enfarm đã sử dụng machine learning để nâng cao độ chính xác của các cảm biến có chi phí thấp.
Công nghệ này đưa ra khuyến cáo cho nông dân, giúp tăng năng suất cây trồng với ít hơn lượng phân bón. Thử nghiệm tại các vườn cà phê ở tỉnh Đăk Lăk cho thấy công nghệ Enfarm có thể tăng tới 30% năng suất với ít hơn 30% lượng phân bón so với phương pháp thông thường.
Nhờ thông tin chi tiết, nông dân canh tác hiệu quả hơn. Tại vườn sầu riêng thử nghiệm, cây giảm rụng hoa - trái, tăng tới 20% năng suất với cùng hoặc ít hơn lượng phân bón, tiết kiệm tới 50% lượng phân bón và 30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng đến năng suất.
Enfarm đã giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp thế giới: 60% phân bón không được cây trồng hấp thụ, gây lãng phí tới 120 tỷ USD mỗi năm, thoái hóa một phần ba diện tích trồng trọt và tạo ra 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết đây là giải pháp nông nghiệp thông minh chi phí thấp, thân thiện người dùng, có thể áp dụng rộng rãi trong sản xuất cà phê ở Việt Nam.
Ra mắt giữa năm nay, doanh nghiệp được người nông dân ở 14 tỉnh thành đón nhận. Sản phẩm đạt Á quân cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2024. Enfarm cũng nằm trong Top 5 sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo xuất sắc của Bộ Khoa học và Công nghệ, Top 10 startup có tác động xã hội và môi trường tại Đông Nam Á và Top 15 giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2024. Doanh nghiệp từng lọt vào bán kết và nhận giải thưởng sau khi vượt qua các đối thủ từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm nay đánh dấu cột mốc quan trọng khi Enfarm nhận đầu tư từ Touchstone Partners, Aiviet Venture và Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. Cùng hợp tác sản xuất với Điện Quang tại Khu công nghệ cao TP HCM, những nguồn lực này giúp Enfarm hạ giá thành sản phẩm và mở rộng công nghệ tới nông dân.
Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ đầu tư Touchstone Partners, chia sẻ rằng áp dụng công nghệ phù hợp trong nông nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất quy mô lớn. Giải pháp của Enfarm cung cấp dữ liệu đất đai theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng phân bón và giảm thiểu lãng phí sản xuất.
Thời gian tới, Enfarm hướng tới mở rộng thị trường sang các nước ASEAN trong năm 2025 nhằm tận dụng cơ hội khi giá nông sản liên tục tăng và chính sách ưu tiên cho an ninh lương thực của các quốc gia trong khu vực.
Thái Anh