Khi được hãng Disney mời tham gia dự án Beauty and the Beast với vai chính Belle, Emma Watson không thể nói lời từ chối. Beauty and the Beast phiên bản hoạt hình năm 1991 là một trong những bộ phim cô thích nhất. Bản thân nhân vật Belle là hiện thân của những giá trị Watson đang theo đuổi: một cô gái thông minh, ham học hỏi, mang tư tưởng tiến bộ với trái tim nhân hậu và cũng không kém phần mạnh mẽ.
Cô hào hứng chia sẻ với tờ Independent: “Tôi nghĩ rằng mình là người vô cùng may mắn. Belle là người hùng ấu thơ của tôi và tôi có lẽ đã xem bộ phim ấy cả ngàn lần bất chấp sự khó chịu từ bố mẹ. Việc được khoác lên mình bộ đầm vàng, được cưỡi chú ngựa Philippe, được bước đi trong tòa lâu đài... giống như một giấc mơ. Đó cũng là trách nhiệm lớn, bởi Belle là một biểu tượng, đại diện cho tất cả cô gái. Nếu tôi làm tốt công việc của mình, mọi cô gái đều sẽ thấy Belle bên trong họ”.
Emma Watson đã hoàn thành đúng mục tiêu cô đề ra, như cách tờ Total Film nhận định: “Sự ngọt ngào và bản lĩnh tự nhiên của Watson như sinh ra để dành cho Belle”. Việc Beauty and the Beast thu về tới 350 triệu USD trên toàn cầu chỉ sau ba ngày đầu khởi chiếu càng củng cố thêm quyền lực ngôi sao của Emma Watson.
* Video: Emma khoe giọng hát trong Beauty and the Beast
Cùng nổi tiếng từ nhỏ nhưng Emma không đi theo con đường lạc lối của Lindsay Lohan mà đang theo bước những đàn chị như Jodie Foster hay Natalie Portman - những minh tinh được hâm mộ không chỉ bởi tài năng mà cả cách sống. Emma từng được tổ chức Guinness công nhận là “Nữ diễn viên đem lại doanh thu cao nhất thập niên” với con số khổng lồ - 5,4 tỷ USD tại phòng vé giai đoạn 2001 tới 2009, đồng thời nằm trong danh sách 100 người giàu ảnh hưởng nhất hành tinh do tờ TIME bình chọn.
Thế nhưng, thay vì hưởng thụ cuộc sống xa hoa, Emma Watson lại chọn cách hoạt động thiện nguyện tích cực và dùng danh tiếng để đóng góp cho phong trào nữ quyền.
Emma Watson được bầu làm Đại sứ thiện chí của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) kể từ năm 2014. Nhiệm vụ của cô là lên tiếng để kêu gọi sự bình đẳng cho phụ nữ, với chiến dịch tiêu biểu mang tên #HeForShe. Bài diễn văn dài hơn 10 phút của cô tại Liên hợp quốc năm 2014 khiến cả hội trường đứng dậy vỗ tay và Tổng thư ký Ban Ki-moon đã trở thành thành viên đầu tiên của chiến dịch. Nhiều ngôi sao giải trí nam như Hugh Jackman, Tom Hiddleston, Jared Leto hay Eddie Redmayne... sau đó cũng gia nhập phong trào này.
Kể từ đó tới nay, Emma Watson không ngừng đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ và tới những vùng đất nghèo đói ở Bangladesh hay Zambia để giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng. Cô thành lập Câu lạc bộ đọc sách Our Shared Shelf trên trang Twitter cá nhân có 24 triệu người theo dõi, để người dùng có thể cùng chia sẻ những tựa sách hay. Vào thời gian rảnh rỗi, Emma thậm chí còn cải trang để ra ga tàu điện và phát những cuốn sách hay tới người đi đường với hy vọng sẽ giúp họ nhận ra ý nghĩa của việc đọc sách.
Một trong những nữ nhà văn từng gặp Emma Watson là Bell Hooks chia sẻ: “Watson không hề giống với cách mà chúng ta mường tượng về những minh tinh điện ảnh. Cô ấy muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa và đem lại những điều tốt đẹp, thay vì chỉ được nhớ tới bởi danh tiếng và sự giàu có”.
Còn nữ diễn viên khẳng định: “Tôi không thể nào chỉ nói suông mà phải sống tích cực để làm gương. Những trận chiến tôi tham gia càng khiến tôi biết được rằng đâu là việc mình phải làm. Mọi thứ không hề dễ dàng, nhưng tôi sẽ luôn đi theo tiếng gọi trái tim”.
* Video: Hành trình 'hóa thiên nga' của Emma Watson
Emma Watson luôn đề cao tính chuyên nghiệp và đó là lý do cô không muốn làm mọi thứ theo cách nửa vời. Trước Beauty and the Beast, Emma Watson gây chú ý khi phải nhường vai diễn Mia trong bộ phim nhạc kịch La La Land cho Emma Stone, để rồi Stone được trao giải Oscar “Nữ diễn viên chính xuất sắc”. Trong một bài phỏng vấn đặc biệt với tờ Vanity Fair, Watson chủ động nhắc tới lý do cô không thể tham gia La La Land: “Đó là một bộ phim tuyệt vời. Nhưng Beauty and the Beast không phải dự án tôi có thể nhảy vào mà không có sự chuẩn bị trước. Tôi cần phải tập cưỡi ngựa, khiêu vũ, tập hát ba tháng ròng ở London. Tôi phải thực sự có mặt và làm những công việc ấy, do vậy tôi buộc phải từ chối do lịch làm việc không cho phép”.
Ngay cả khi trở thành triệu phú khi chưa đầy 10 tuổi nhờ vai Hermione trong loạt phim bom tấn Harry Potter, Emma Watson vẫn luôn đề cao việc học hành. Cô là trường hợp duy nhất học nhiều hơn số lượng giờ học phụ đạo được quy định trong hợp đồng đối với các diễn viên nhí của Harry Potter. Năm 2006, cô từng tham gia kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông trung học Anh GCSE với 10 môn và nhận được tới tám điểm A+ cùng hai điểm A.
Sau khi loạt phim về cậu bé phù thủy kết thúc, Emma Watson thậm chí còn có ý định giải nghệ. Cô đăng ký học trường Đại học Brown năm 2009 và từng muốn bước khỏi Hollywood vĩnh viễn. “Đã có lúc tôi nhìn sự nổi tiếng như một thứ không có điểm dừng. Tôi bắt đầu khi mới khoảng 10 tuổi và nghĩ rằng công việc diễn xuất không phù hợp với mình. Tôi khó tính, tôi nghiêm túc và cảm thấy lạc lõng. Nhưng dần dần khi trưởng thành hơn, tôi nhận ra mình là người sẵn sàng đối đầu với mọi trận chiến, dù nhỏ hay lớn”, Emma nói.
Ở giai đoạn “hậu Harry Potter”, Emma Watson không xuất hiện một cách ồ ạt trên màn ảnh rộng mà có chọn lọc. Dự án đáng chú ý nhất cô tham gia là phim độc lập được đánh giá cao The Perks of Being a Wallflower (2012).
Cô chia sẻ trên tạp chí Vanity Fair: “Đã có những khoảnh khắc khó khăn trong sự nghiệp của tôi, khi người đại diện hoặc một nhà sản xuất phim tới nói rằng tôi đang mắc một sai lầm to lớn vì không tham gia một dự án nào. Nhưng thành công để làm gì nếu tôi cảm thấy đánh mất bản thân mình? Tôi luôn trả lời họ rằng ‘Tôi không thể, tôi cần phải đi học’ hoặc ‘Tôi cần về nhà để chơi với đám mèo’. Và lần nào cũng vậy, mọi người sẽ nhìn tôi như thể tôi là một kẻ điên. Trái lại, đó là những quyết định sáng suốt”.
Thịnh Joey