Khi qua đời ở tuổi 55, Emily Dickinson là cái tên hầu như không mấy ai biết đến, thậm chí có rất ít người biết việc bà là một nhà thơ. Nhưng ngày nay, Emily Dickinson là một biểu tượng không thể thay thế trong văn hóa đại chúng Mỹ với biệt danh "Quý cô váy trắng" (The Lady in White). Không chỉ những bài thơ mà cuộc đời bí ẩn, tính cách có phần lập dị của bà là nguồn cảm hứng, ảnh hưởng đến văn chương, phim ảnh và âm nhạc Mỹ.
Trong giới văn chương, Emily Dickinson là một nhà thơ có khối lượng tác phẩm đồ sộ - hơn 1.800 bài thơ, chủ yếu được bà sáng tác khi sống trong căn phòng riêng của mình. Chỉ 10 bài thơ trong số đó được xuất bản lúc bà còn sống và không để lại nhiều ấn tượng, phần vì biên tập viên đã chỉnh sửa nhiều chỗ để phù hợp với tiêu chuẩn thơ ca thời bấy giờ. Trong khi đó, điểm nổi bật trong tác phẩm của Emily chính là sự phá cách, vượt thoát khỏi những giới hạn của trí tưởng tượng và rào cản định kiến xã hội.
Với sự độc nhất vô nhị của mình, hay còn được gọi là "chất Emily", bà cho thấy sức ảnh hưởng trong việc thách thức những định nghĩa xưa cũ về thơ ca. Emily thường thoải mái bỏ qua các quy tắc thông thường về nhịp điệu và thậm chí cả ngữ pháp. Bà thích thử nghiệm hơn là cố gắng đi theo lối mòn. Phong cách sáng tác khác thường, cùng với sự nhạy cảm trước thiên nhiên, các mối quan hệ giữa người với người và những suy tưởng về cuộc đời, sự sống và cái chết được thể hiện một cách sâu sắc, đầy ám ảnh trong tác phẩm của Emily.
Emily Dickinson sinh năm 1830 trong một gia đình khá giả ở quận Amherst, Massachusetts, Mỹ. Theo Emily Dickinson Museum, bà có một thời gian ngắn học tại trường học của quận, sau đó theo học tại Học viện Amherst trong bảy năm trước khi vào Chủng viện Nữ Mount Holyoke (nay là Cao đẳng Mount Holyoke) vào năm 17 tuổi. Bà ở lại chủng viện trong một năm - thời gian xa nhà lâu nhất trong cuộc đời của bà. Dù ở Amherst phụ nữ được đến trường không phải hiếm, nền giáo dục mà Emily được nhận vẫn là điều đặc biệt so với đa số phụ nữ vào thế kỷ 19.
Sau khi trở về từ chủng viện, Emily dành phần lớn thời gian ở trong phòng riêng. Ấn tượng nhiều nhất mà bà để lại cho những người xung quanh trong gần ba thập niên sau đó là việc luôn mặc trang phục màu trắng và thói quen không thích tiếp khách. Bà thường chỉ giao tiếp với người trong gia đình và thư từ qua lại với bạn bè. Nếu phải tiếp khách, bà sẽ nói chuyện với họ với cánh cửa phòng ngủ ở giữa. Người thị trấn gọi bà là "Ẩn sĩ ở Amherst" hay "Huyền thoại".
Theo Lyndall Gordon, một người viết tiểu sử về Emily Dickinson, chính Emily là người đã nghĩ ra "bản thiết kế" cho đời bà. Thay vì là một cô gái trẻ năng động, bà áp dụng chiến thuật rút lui khỏi xã hội khi mới bước vào tuổi đôi mươi. Hiếm ai thấy bà rời khỏi nhà. Giữ cuộc sống riêng khỏi con mắt của mọi người xung quanh, hay theo như cách bà gọi là cuộc sống của một người "Không là ai".
Nhìn bề ngoài, cuộc đời của nhà thơ có vẻ bình lặng và vô hình, nhưng bên dưới vẻ tĩnh lặng đó là một tính cách mạnh mẽ, thậm chí choáng ngợp. Bà gọi đó là "Tĩnh lặng - Núi lửa - Cuộc sống". Lyndall cho rằng sự tĩnh lặng của Emily không đồng nghĩa với việc bà rút lui khỏi xã hội. Thay vào đó, nó là cách để bà có thể kiểm soát cuộc sống của mình. Khác với sự bất lực mà đôi khi bà thể hiện ra, Emily hiếm khi khoan nhượng. Ngay cả khi những rắc rối trong gia đình xảy ra, bà vẫn chọn sống theo ý mình.
Ở tuổi 17, khi còn là sinh viên tại Mount Holyoke (cùng năm mà phong trào phụ nữ vùng lên ở Seneca Falls), bà đã từ chối tuân theo sự áp đặt của người sáng lập trường học của mình. Hay vào thời điểm Massachusetts là nơi diễn ra một cuộc phục hưng tôn giáo, Emily vẫn trung thành với các môn khoa học bà đã chọn. Trong thời kỳ bùng nổ sáng tạo vào đầu những năm 1860, bà đã mời một người đàn viết thư ở Boston làm người hướng dẫn, nhưng không nghe theo lời khuyên của ông ta để điều chỉnh câu thơ của mình.
Mặc dù Emily Dickinson bắt đầu sáng tác thơ ở tuổi thiếu niên, các học giả cho rằng tài năng thơ ca của bà bắt đầu nở rộ trong khoảng 1858-1865, trùng với sự kiện quan trọng nhất của lịch sử nước Mỹ thế kỷ 19, Nội chiến. Trong thời gian này, cuộc sống cá nhân của Emily cũng có những thay đổi to lớn. Bà trở thành một nghệ sĩ lớn trong một thời gian ngắn với sáng tạo mãnh liệt, cho ra đời hàng trăm bài thơ.
Bước sang tuổi 35, Emily đã sáng tác hơn 1.100 bài ngắn gọn, mạnh mẽ, bộc lộ một cách sắc sảo những cung bậc cảm xúc về nỗi đau, sự bi thương, niềm vui, tình yêu, thiên nhiên và nghệ thuật. Bà đã ghi lại khoảng 800 bài thơ này trong những tập sách nhỏ tự may.
Cả đời Emily chưa từng kết hôn. Đời sống tình cảm của bà cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Một số suy đoán về mối quan hệ thân thiết giữa Emily và người bạn Susan, người đã nhận được rất nhiều bài thơ của Emily là được bà xem như người phê bình thơ đáng tin cậy của mình. Trong khi đó, nhiều người dồn sự chú ý vào "Master", một nhân vật thường xuất hiện trong những bài thơ của bà.
Emily Dickinson qua đời ở Amherst vào năm 1886. Vài năm sau khi bà mất, các thành viên trong gia đình tìm thấy những tập sách do bà tự may bằng tay chứa gần 1.800 bài thơ.
Khi tập thơ đầu tiên của bà được xuất bản vào năm 1890, bốn năm sau khi bà qua đời, nó đã đạt được thành công kinh ngạc, được tái bản 11 trong vòng chưa đầy hai năm. Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ, những tác phẩm của bà vẫn phải trải qua nhiều khâu biên tập. Mãi cho đến khi phiên bản in vào năm 1998, trật tự, các dấu câu và phong cách chính tả bất thường của bà mới được khôi phục hoàn toàn.
Với phần lớn thông tin cuộc đời bị bà đóng chặt lại sau cánh của phòng ngủ, thơ ca là phương tiện duy nhất để người đọc có thể tiếp cận với nữ thi sĩ. Từ cách chơi chữ nguyên bản, những vần điệu khó lường hay cách ngắt dòng đột ngột, bà bẻ cong các quy ước văn học cũ nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng cấu trúc của thơ trong khi liên tục thách thức những giới hạn của nó.
Tất cả điều đó đã khiến Emily Dickinson bí ẩn trở thành một trong những nhà thơ quan trọng và độc đáo nhất mọi thời của nước Mỹ.
Chùm thơ Emily Dickinson do nhà nghiên cứu văn học - nhà văn Nhật Chiêu chuyển ngữ
Không bao giờ ai hiểu
Chúng ta học tất cả
Mọi điều về tình yêu
Những vần và những chữ
Không thiếu một chương nào
Học đến toàn bộ sách
Kết thúc luôn nhiệm màu
Nhưng sao trong ánh mắt
Vẫn dại hơn bao giờ
Nỗi dại khờ huyền bí
Còn hơn cả trẻ thơ
Ai cũng là đứa bé
Cố nói lên những điều
Không bao giờ ai hiểu
Trong cuộc tìm ra nhau
Cái biết kia bát ngát
Sự thật ôi muôn màu!
Ngôi nhà của hoa hồng
Xin anh đừng đến quá gần
Ngôi nhà của đóa hoa hồng
Bạo tàn cơn gió nhẹ
Lũ lụt giọt sương con
Xô tường nhà nghiêng ngả
Xin anh đừng đến quá gần
Cánh bướm xin đừng buộc lại
Mê cuồng xin chớ leo song
Và trong nỗi mong manh ấy
là nơi vui mãi đọng nguồn
Tôi sẽ mang đến đấy
Khi đến với người, tôi sẽ
Không mang theo bản thân mình
Nhỏ nhoi gánh hàng ấy
Mang đến cũng bằng không
Tôi sẽ mang đến đấy
Diệu kỳ một trái tim
Mà tôi không đủ sức
Mang chứa ở trong mình.
Trong tôi từng ấp ủ
Trái tim ấy mênh mông
Và tim tôi từ đó
Cũng lớn lên không ngừng
Tim tôi càng lớn rộng
Người trở nên lạ lùng
Trái tim này bát ngát
Người làm sao bao dung?
Giọt sương
Một giọt sương
Tự mình đầy đủ
Và cho chiếc lá vui lòng
Tự nhủ thầm:
"Định mệnh quá mênh mông
Cuộc đời sao phù ảo!"
Mặt trời đi tìm công việc
Và ngày đi tìm trò chơi
Gương mặt sương đâu rồi
Ai thấy còn trên lá?
Có phải do ngày chiếm mất
Hay do mặt trời mà tan
Thoáng chốc đi vào biển cả
Vô cùng không biết, mang mang.
Ngạn Bình (theo Emily Dickinson Museum, Poetry Foundation, Britannica)