"Nên mua đứt hơn là cạnh tranh", ông chủ Facebook Mark Zuckerberg viết trong một email năm 2008, theo nội dung đơn kiện được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và liên minh gồm 48 bang, vùng lãnh thổ nộp lên tòa án.
Bốn năm sau, sau khi Facebook mua lại ứng dụng chia sẻ hình ảnh được Zuckerberg mô tả là "rất gây gián đoạn", ông chủ mạng xã hội ăn mừng bằng cách giải thích với một đồng nghiệp qua email: "Instagram là hiểm họa với chúng ta. Một điều tuyệt vời của startup là họ luôn có thể bị mua lại một cách dễ dàng".
Rebecca Haw Allensworth, giảng viên chuyên ngành chống độc quyền tại Đại học luật Vanderbilt (Mỹ), cho biết tài liệu nội bộ luôn có thể trở thành điểm yếu của những bị đơn trong các vụ kiện chống độc quyền. "Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ thấy một vụ kiện nào dựa chủ yếu vào chính lời CEO như vậy", bà nói.
Đánh giá cáo buộc độc quyền dựa vào lời giải thích của CEO về các hành động của ông ta có thể xem là chiến lược đơn giản với rất nhiều người. Dù vậy, nó lại gây nhiều tranh cãi trong giới thẩm phán và học giả ngành chống độc quyền.
Nhưng lựa chọn của FTC lại dễ hiểu. Loạt email của Zuckerberg mô tả rất chi tiết những vụ sáp nhập sẽ chia tách Facebook khỏi các đối thủ cạnh tranh. Đơn kiện đã tránh được nhiều vấn đề khi sử dụng những thứ được giới luật sư gọi là "tài liệu nóng" để xây dựng vụ kiện chống độc quyền.
Nó từng có tác dụng với Microsoft
Đơn kiện nhằm vào Facebook có nhiều nét tương đồng với vụ chính phủ Mỹ kiện Microsoft, vụ kiện đi vào lịch sử năm 2001 khi chứng minh tập đoàn phần mềm này có khả năng độc quyền hóa thị trường. FTC giờ đây sẽ phải chứng minh rằng Facebook thu thập sức mạnh thị trường trong lĩnh vực mạng xã hội bằng cách loại bỏ đối thủ, thay vì chỉ dựa vào sản phẩm vượt trội. Các văn bản nội bộ của giới lãnh đạo đóng vai trò lớn trong cả hai vụ kiện.
Trong vụ kiện Microsoft, chính phủ Mỹ đưa ra bản ghi nhớ năm 1995, khi người sáng lập Bill Gates gọi Netscape là "đối thủ mới, được sinh ra trên Internet". Chỉ vài năm sau, một lãnh đạo Microsoft được cho là đã phát biểu "chúng ta sẽ làm Netscape chết ngộp".
Khi Microsoft cản trở Netscape tiếp cận người dùng Windows, những phát biểu như vậy khiến họ không thể bào chữa rằng hành động của mình không nhằm phá hoại đối phương. Microsoft thua trong vụ kiện.
Dù chiến thuật này đã thành công và dường như luôn chắc thắng, các tòa án lại khá miễn cưỡng khi đưa ra phán quyết dựa vào những tài liệu nội bộ của bị đơn.
Vấn đề khi dựa quá nhiều vào email nội bộ
Thẩm phán thường khẳng định luật chống độc quyền chỉ tập trung vào hệ quả kinh tế từ hành động của doanh nghiệp, trong đó, xem xét họ có đè nén đối thủ cạnh tranh hay không, chứ không xét đến động cơ của giới lãnh đạo. Những nhà phân tích cho rằng CEO không phải chuyên gia kinh tế và đôi khi tỏ ra kiêu ngạo, khiến email và những liên lạc nội bộ chỉ làm bồi thẩm đoàn ngạc nhiên chứ không đưa ra luận điểm kinh tế đáng tin.
Giới thẩm phán và học giả lo ngại bồi thẩm đoàn sẽ coi những bình luận hung hăng là bằng chứng cho thấy ý định loại bỏ đối thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một công ty có thể "hủy diệt" đối thủ bằng cách làm tốt hơn, điều được giới kinh tế học coi là cạnh tranh công bằng.
Tài liệu đào tạo nhân viên Facebook có đoạn viết: "Nếu chúng ta không tạo ra thứ tiêu diệt được Facebook, cái gì đó sẽ làm được". Đây có thể coi là cảnh báo đáng sợ, nhưng tạo ra những thứ để cạnh tranh với đối thủ startup chính là điều mà các đạo luật chống độc quyền muốn Facebook làm, đó là thúc đẩy sáng tạo.
Dựa vào những phát ngôn mà bị đơn dường như hé lộ ý định chủ quan là hành động gây tranh cãi, bởi các đạo luật của Mỹ không làm rõ liệu ý định trấn áp đối thủ cạnh tranh của bị đơn có ý nghĩa thực sự hay không.
Vai trò bằng chứng của ý định
Ngược lại, các loại bằng chứng khác có thể không đủ để xây dựng một vụ kiện chống độc quyền.
Quá trình xét hỏi trong một vụ kiện độc quyền thường xoay quay việc bị đơn chiếm vị trí lớn trong thị trường nhờ loại bỏ các đối thủ hay vì sản phẩm tốt hoặc rẻ hơn. Điều khó khăn là những bằng chứng thường cho thấy cả hai kịch bản.
Bị đơn luôn có khả năng chỉ ra những cải tiến sản phẩm nhờ hành động của mình, gây khó khăn cho nỗ lực chứng minh sự loại bỏ đối thủ. Trong vụ kiện của Facebook, tập đoàn này chỉ ra việc nền tảng người dùng ngày càng lớn và giao diện được cải tiến của Instagram khi nằm trong tay Facebook.
Trong phần lớn vụ kiện độc quyền, tòa án sẽ gặp đình trệ nếu chỉ dùng dữ liệu thực tế trên thị trường để trả lời câu hỏi: Bị đơn phát triển nhờ cải tiến sản phẩm hay sự cạnh tranh biến mất dần trên thị trường?
Đây là lúc "bằng chứng về ý định", thông tin cho thấy suy nghĩ của bị đơn, có thể thể hiện vai trò của mình. Nếu một CEO định sáp nhập để ngăn cách doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh, nó gần như chắc chắn sẽ cách ly công ty khỏi đối thủ. Các thẩm phán có thể quy kết sự thống trị của doanh nghiệp với hành động loại bỏ đối thủ, điều vi phạm những đạo luật chống độc quyền.
Đây là lý do thẩm phán sẽ xem xét bằng chứng về ý định, đặc biệt là khi nó không chỉ xoay quanh những lời tuyên chiến mơ hồ về mặt kinh tế nhằm vào đối thủ của bị đơn.
Vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh
Không may cho Facebook, những email của Zuckerberg chỉ ra rõ ràng và chi tiết về ý định tránh cạnh tranh với Instagram và WhatsApp. Tòa án có thể coi đó là bằng chứng liên quan, thậm chí là bằng chứng kết tội mạng xã hội này.
Trong vài tháng trước vụ mua lại Instagram, giám đốc tài chính Facebook vạch ra 3 lý do để thực hiện thương vụ này: "1. Vô hiệu hóa đối thủ tiềm tàng?... 2. Thu hút nhân tài?... 3. Tích hợp sản phẩm của họ với chúng ta để cải thiện dịch vụ của chúng ta?".
"Đó là sự kết hợp giữa 1 và 3", Zuckerberg trả lời.
Ông chủ Facebook sau đó giải thích về mối đe dọa cạnh tranh của Instagram và nhanh chóng thay đổi suy nghĩ. "3 cũng là một yếu tố, nhưng thực tế chúng ta đều biết về hoạt động của Instagram và đằng nào cũng sẽ tích hợp chúng trong 12-24 tháng tới", Zuckerberg viết.
Sau vụ kiện Microsoft, nhiều công ty áp dụng những chính sách liên lạc mới nhằm tránh tạo ra những văn bản như vậy. Google từng phát hành chính sách "liên lạc an toàn" chống độc quyền với 5 điểm cần nhớ cho nhân viên.
"Điều khiến tôi ngạc nhiên trong vụ này không phải số lượng tài liệu nội bộ được công bố trong đơn kiện, mà là những dấu vết được một CEO phức tạp như Zuckerberg để lại trong quá trình xây dựng Facebook. Đó là lý do vụ kiện liên bang đang đe dọa sự tồn tại của mạng xã hội này", Allensworth nói.
Điệp Anh (theo Fast Company)