Tôi không phải là một nhà văn, cũng không viết một câu chuyện tưởng tượng. Phải nói vậy để mọi người nếu có cơ duyên đọc những dòng này của tôi hiểu rằng tôi không viết vì mưu sinh, cũng không viết để một độc giả nào đó nhận xét, phê bình. Tôi chỉ viết vì lo sợ những nhát cắt kỷ niệm, những hình bóng bây giờ thường xuyên hiển hiện trong tâm trí sẽ tan biến như bọt biển vào một ngày nào đó, khi tôi trở lên già nua. Bà ngoại của tôi bây giờ bị lẫn và bà cũng không nhớ hay hiểu được bất cứ chuyện gì nữa. Tôi lo sợ cho mình một ngày như thế.
Tôi mưu sinh bằng công việc văn phòng với những con số, khô khan và nghiêm túc. Bước chân đến công ty là tôi sẽ phải đeo lên người ý thức của một nhân viên gương mẫu trong công sở, hiểu mình đi làm thuê và nhiệm vụ của tôi là hoàn thành công việc tốt nhất có thể, bảo vệ được lợi ích chính đáng và giảm thiểu các rủi ro có thể cho bản thân nhưng vẫn làm cho ông chủ hài lòng. Đời đi làm thuê nào rồi có lẽ cũng thế. Mỗi khi trở về căn nhà của mẹ, tôi lại không ngăn được mình thôi tiếc nuối về những con người đã mất, về những kỷ niệm tựa các thước phim.
Trời vẫn trong xanh như thế, như những buổi chiều tôi đứng ngó trên mái nhà sau khi trở về từ trường học hoặc khi học xong. Cái phòng nhỏ bé tẹo nơi tôi từng chảy mồ hôi ròng ròng để ngồi làm bài tập vẫn ở đó, có khác chăng đã được cải tạo thành phòng ngủ khi cơ nhỡ cho mẹ. Ông ngoại tôi người dong dỏng cao, hồi trẻ ông đẹp trai, mọi người đều xác nhận thế. Đến nỗi ngày bé tôi vẫn luôn thắc mắc sao mình không được di truyền gen đẹp của ông. Ông vẫn đạp xe qua nhà tôi, đi chợ hoặc có hôm chỉ ra nhà tôi dăm ba câu chuyện. Bố mẹ tôi thường không có nhà, đang bận làm hoặc cũng chỉ vào nói chuyện với ông đôi chút.
Trong những câu chuyện giữa hai ông cháu, tôi chỉ còn giữ lại trong tâm trí mình những lời ông càm ràm, ca thán, than vãn về những người con của ông hay những người họ hàng. Tôi chỉ có thể vâng, dạ hoặc hỏi ông về người này người kia, đơn giản tôi chẳng hiểu vì sao ông phải càm ràm, ca thán. Kết thúc câu chuyện, tôi sẽ lại lục lọi dưới bếp xem có gì đem mời ông. Đấy là khi ông ngoài 70 tuổi và tôi vẫn chỉ là đứa trẻ chục tuổi. Ông đã mất hơn hai năm rồi.
Những ngày cuối đời, ông ốm yếu, ăn gì nôn ấy, mặt mũi hốc hác xanh xao. Khi đó tôi đã sắp đến ngày dự sinh thằng bé thứ hai. Cái tết gần nhất ngày mất của ông, vợ chồng tôi đến thăm, ông bảo: "Ông sắp chết rồi". Tôi cúi gằm mặt và lặng thinh. Đối với một người sắp chết mà tôi cũng dự cảm được điều ấy, tôi không biết phải nói gì hơn. Chẳng có gì có thể thay đổi, chẳng có gì chua xót hơn là việc bất lực nhìn một người thân yêu từ từ tiến tới ngưỡng cửa của đời người. Tôi không khóc nhưng buồn, buồn da diết. Ông tiều tụy trong manh áo chùng chình. Ngày ông mất tôi đã nghỉ làm tại công ty để chờ sinh.
Mẹ gọi tôi vào buổi trưa hanh hao, ngột ngạt. Mẹ khóc! Tôi chỉ biết một việc duy nhất lúc ấy: Về với ông. Họ hàng có ngăn vì tôi mang bầu, lo sợ điềm xấu nhưng tôi biết họ sẽ không ngăn được tôi trở về với ông. Tôi ngồi ngoài sân, bên trong nhà người ra vào không ngớt, lo hậu sự cho ông. Nước mắt tôi tự nhiên tuôn rơi xối xả. Mẹ tôi, các dì, các bá cũng cứ vậy mà khóc như mưa. Tôi lại ước những câu chuyện không đầu không cuối, lại ước ông khỏe mạnh để càm ràm. Ngày tiễn ông ra mộ là một ngày mưa, đám ma của ông hoành tráng nhất thôn vì ông có đứa cháu ngoại là quan chức của thành phố.
Tất cả những điều ấy tôi không được tham dự vì còn chờ đợi nhiệm vụ và cửa ải quan trọng cho đứa con thứ hai của mình mà không ai khác có thể thay thế. Mấy ngày sau ngày ông mất, tôi sinh nó, lém lỉnh và gớm ghê cho đến giờ. Từng ngày tôi đều chắc chắn ông ngoại đã nhường lại sự sống cho con trai tôi như câu cửa miệng mẹ hay nói: "Sinh dữ tử lành". Khu vườn nhà mẹ tôi vẫn vậy dù cây cối trong đó đã thay nhau ngã xuống rồi mọc lên. Tôi vẫn hóng từng thứ quả trong đó, vẫn cố hít căng lồng ngực thứ gió lộng, mát lành mỗi cuối tuần đòi được về mẹ.
Chồng tôi không thích thú lắm khi về bà ngoại nhưng với tôi điều đó không có tác dụng nhiều. Đó là mảnh trời vun đắp, nuôi lớn tôi, đó là mảnh đất ươm mầm những kỷ niệm ngọt ngào, đó là mái nhà ngỡ bình yên bền vững mà vẫn có lúc bão gió chông chênh nhưng là một phần máu thịt trong tôi. Bố tôi bỏ nhà đi đã được bốn năm. Nói là bỏ nhà nhưng bố chỉ ở cách mẹ tôi 500 mét cùng tuyến đường. Ông ở cùng một người phụ nữ khác.
Khi tôi cưới cũng là lúc bố mẹ chia tay. Nhà như một cái núi lửa, lúc nào cũng có thể phun trào. Mẹ tru tréo, chì chiết, sỉ nhục bố. Bố hung hăng, gia trưởng đánh mắng. Chẳng biết bố tôi có bồ bịch trước đó hay không nhưng sau là mang quần áo ra khỏi nhà để về ở với người phụ nữ ấy. Mẹ chết đi sống lại ở nhà. Thằng em tôi cay đắng, tủi nhục, từng rúc chuồng gà gào khóc. Tâm trạng tôi rối bời. Chưa bao giờ ngôi nhà từng là ngọn hải đăng và điểm tựa của tôi chông chênh đến thế. Mẹ không tin vào ai nữa ngoài em trai tôi. Mẹ cũng ghét tôi luôn vì tôi hay nói đỡ cho bố.
Hai năm sau đó, khi mọi người đã chán bàn ra tán vào, thôi tìm một trong số người nhà tôi để khuyên răn, khích bác, khi mọi thứ đã đủ lắng để mẹ chấp nhận đối diện với sự thật nghiệt ngã, tôi thấy mình thật sự tồi trong lúc biến động ấy. Mẹ tôi đã xé nát không biết bao nhiêu lần đơn ly dị, đã khóc cả đêm đến lả người. Tôi thật sự tồi. Em trai tôi vẫn một lòng bên mẹ, đôi khi nó vì bảo vệ mẹ mà thành hỗn láo với bố, với những người họ hàng bên nội. Bố cũng tan nát cõi lòng. Trong cuộc chiến ấy, cả nhà tôi ai cũng thành người bại trận, mất danh dự, mất niềm tin, mất tiền bạc và kết quả cuối cùng tôi "mất" bố. Bố vẫn chơi đùa, chăm bẵm hai cháu ngoại mỗi khi tôi về. Bố chỉ không ở cùng nhà với mẹ và em trai tôi.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, tôi không bao giờ muốn nhớ về những giây phút ấy. Tôi luôn cố gắng lờ đi sự thật ấy để khỏi bận tâm. Tôi thật sự tồi. Nhà tôi vẫn treo đầy ảnh của cả gia đình, bố tôi không ở đó nhưng ông vẫn dõi theo, tôi tin là thế. Tôi vẫn về với mẹ và bố như thường, chỉ không về ngôi nhà nào khác ngoài ngôi nhà của mẹ và em trai tôi đang ở. Nó thân thương đến độ rảnh rỗi chút tôi cũng phải đèo hai thằng con về bằng được. Nó chứa đựng nhưng giờ phút êm đẹp, vất vả, đắng cay, buồn vui, mệt mỏi, lo lắng và đầy yêu thương của gia đình tôi. Có một thời gian dài trong hành trình tuổi trẻ, tôi học tập, sống và làm việc tại Hà Nội, phần lớn trong những căn nhà ổ chuột xập xệ với điều kiện tồi tàn. Hai chị em chi tiêu chắt bóp đến nỗi thằng em trai tôi kêu ca phàn nàn với bất cứ ai nó thân thiết về bà chị keo kiệt này. Tôi chẳng giải trình gì thêm vì sự thật là thế.
Gần chục năm nơi đất khách quê người, hai chị em tôi chia sẻ được với nhau một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, nó theo lũ bạn ăn ngủ tại quán lẩu của một ông anh người quen. Nó cũng được biết mặt tất cả mấy thằng bạn của tôi và từng là thành phần can dự vào đời sống yêu đương mờ nhạt của tôi. Tôi biết nó sẽ không bao giờ bỏ rơi tôi trong hoàn cảnh nào đi nữa và tôi cũng thế. Chị em tôi cũng hay bất đồng, đánh đấm nhau hồi bé nữa nhưng rồi đều hiểu phải bao bọc, giúp đỡ nhau.
Trên cuộc đời này sẽ chỉ có một mình nó và chảy chung dòng máu cùng nguồn gốc với tôi. Có lẽ hai chị em tôi đều hiểu vậy. Ơn trời, tôi vẫn luôn có một thằng em trai có thể gọi bất cứ lúc nào. Đã 25 năm kể từ ngày hình thành ký ức, khoảng trời ươm mầm ấy vẫn bình yên và trong xanh đến lạ. Có những điều thân thuộc đã trở thành dĩ vãng, có những người từng gặp đã trở về hư vô. Đã 33 năm trên hành trình cuộc sống, cảm ơn đời, được sống, được yêu thương.
Duyên Hà