Cô mụ nói bàn tay này là bàn tay ngồi viết, lớn lên em chỉ làm việc bàn giấy, sung sướng một đời. Năm đó là năm Mậu Thân, em tôi sung sướng đâu chưa thấy, mới chào đời đã phải cùng gia đình tôi chạy tứ tán để tránh đạn bom, pháo kích vào nhà. Chúng tôi lớn lên cùng với sự phập phồng lo sợ không yên, sợ cái đói, cái rét, sợ mất cha, mất mẹ, mất gia đình.
Cuộc đời đưa đẩy, tôi lập gia đình và theo chồng đi xa, giao cha mẹ già và đứa em út nhỏ dại cho em kế gồng gánh. Năm đó em tôi mới tốt nghiệp ngành Nữ hộ sinh, vừa công tác, vừa lo việc nhà. Em út tôi lớn lên lập gia đình sinh một mạch liền 4 đứa con, cả hai vợ chồng đều lao động chân tay nên gánh nặng cuộc đời lại đổ dồn lên hai vai của em kế, hết lo cho cha mẹ già, em út, giờ lại thêm một đàn cháu thơ. Em chưa một ngày được thư thả nghĩ về bản thân, những lúc có người ngỏ ý, em lại tìm cách thoái thác, riết rồi người ta cũng nản. Em lại một mình.
Dường như cuộc đời em gắn liền với trẻ thơ. Em có rất nhiều con, nhưng là những đứa con do ba mẹ chúng dạy gọi em là mẹ vì yêu mến sự tận tâm trong nghề nghiệp của em. Những đứa cháu cũng không gọi em là cô mà gọi mẹ. Em nói mình luôn hạnh phúc với những gì đã trải qua. Nhưng tôi biết, trong lòng em vẫn còn khuyết một hạnh phúc của bản thân.
Nhớ lại những năm khốn khó, em xuống thăm tôi, thấy các con tôi nheo nhóc, gầy gò, không cầm được nước mắt, em nằng nặc đòi mang cháu về nuôi. Vì cuộc sống quá khó khăn nên tôi cũng thuận lòng. Em nuôi con tôi mà chăm bẵm như chính con ruột của mình. Em chăm từng miếng ăn, giấc ngủ, những lúc bệnh đau cũng một tay em lo liệu, nghĩ lại tôi thấy thật bất công với em. Đó là với gia đình, còn trong công việc, sau 23 năm công tác đôi tay của em đã nâng đỡ, dỗ dành cho hàng nghìn sản phụ và nâng niu hàng nghìn cháu bé chào đời bình yên, nâng niu con mọi người nhưng em tôi chưa một lần được làm việc đó cho bản thân. Em tôi đúng là “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”.
Sau nhiều năm xa quê bươn chải nơi xứ người, tôi về lại. Em tôi vẫn thế, vẫn là một cô bé như ngày nào, đi làm, đi chơi lúc nào trên xe cũng có 3 đứa cháu. Tôi cằn nhằn: “Như vậy thì ai dám lấy, đàn ông nhìn vào người ta tưởng có hàng đống con”. Em chỉ cười, nụ cười nhẹ như gió bay qua. Tôi tự hào nói với mọi người cuộc đời em là một trang giấy trắng, tôi biết em nặng nợ gia đình. Cha mẹ tôi già nay đau mai yếu, các cháu không được sự chăm sóc ân cần của gia đình em út thì em tôi làm sao dám nghĩ đến một gia đình riêng cho mình. Tôi hối thúc em, em đùa: “Chị có gánh nổi cha mẹ cho em không?”. Quả thật so với em, tôi thua xa, thấy mình bất hiếu và chẳng trọn tình. Nắm tay em ngắm nghía, đôi bàn tay vẫn đẹp, vẫn thon dài, đôi bàn tay đã nâng đỡ biết bao cuộc đời, tôi xót xa nghĩ đến quãng thời gian còn lại. Em sẽ ra sao, ai sẽ là người nâng đỡ em tôi những chiều ta xế bóng?
Nguyễn Thị Linh Hạn
Từ ngày 19/8 đến 30/9, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Những đôi tay kỳ diệu" do VnExpress cùng Green Cross phối hợp tổ chức. Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 500-1.000 từ, kể về những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn trong cộng đồng thông qua hình tượng đôi tay. Xem thể lệ chi tiết tại đây Gửi bài tham dự theo địa chỉ media@vnexpress.net hoặc tại đây |