Chiều 27/3, người con gái út đã xin cho anh trai xuất viện về nhà ở Lạng Sơn, tiên lượng tử vong. Bố mẹ cô may mắn hơn đã dần hồi tỉnh sau hơn một tuần hôn mê. Cả 3 người bị ngộ độc nấm từ hôm 20/3, được chuyển từ Lạng Sơn về Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong tình trạng nguy kịch.
Có lẽ hiếm có gia đình nào cùng lúc 3 người nằm viện tại một khoa, cùng một bệnh, chỉ khác phòng do mức độ nặng khác nhau. Cả 3 bệnh nhân đều không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị rất lớn mặc dù các bác sĩ vẫn nỗ lực cứu chữa họ. Hiện gia đình đã đóng viện phí gần 200 triệu đồng nhưng thực tế số tiền này chưa đủ để điều trị cho một người.
Chu Thị Quỳnh, cô con gái út trong gia đình và là người duy nhất có bảo hiểm y tế do làm công nhân. Xin nghỉ làm về Hà Nội chăm sóc bố mẹ và anh trai, cô gái trẻ gần như lo toan mọi việc tại viện. "Gia đình đã bán 5 con trâu, vay họ hàng nội ngoại mỗi người vài triệu đồng để cứu bố mẹ và anh trai nhưng thực sự cả nhà đã hết cách", Quỳnh nghẹn ngào chia sẻ.
Cô gái nói rằng tình hình anh trai nguy kịch, sống được chỉ nhờ hệ thống máy móc. Trong khi đó gia đình đang nợ viện phí hơn 100 triệu đồng và dự kiến kinh phí có thể lên đến vài trăm triệu nữa. Mỗi ngày chỉ riêng chi phí lọc máu cho anh trai đã hơn 20 triệu đồng. Gánh nặng về chi phí, cộng thêm tiên lượng của người con trai khó qua khỏi, gia đình không còn lựa chọn nào khác đành xin bác sĩ dồn tiền cứu người có khả năng sống nhiều hơn, buông xuôi trường hợp nặng nhất…
"Ai cũng thương anh nhưng khó giữ được tính mạng, trong khi tình hình bố mẹ còn cứu được", Quỳnh giải thích cho quyết định xin đưa anh trai về lo hậu sự và bày tỏ "chỉ mong bác sĩ cố gắng cứu bố mẹ".
Em gái út nghẹn ngào chia sẻ về anh trai
Mẹ cô là bà Cúc đang điều trị tại giường số 18, Trung tâm Chống độc, chưa lúc nào cảm thấy tuyệt vọng như những ngày này.
Trong 3 người ngộ độc nấm, bà bị nhẹ nhất vì không ăn nấm mà chỉ uống nước và thịt nấu cùng. Bà nhớ hôm ấy cậu con trai đi rừng hái nấm về nấu ăn. Chồng bà và con trai ăn nhiều nhất. Sau đó cả 3 bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc, đau đầu, đi ngoài, buồn nôn, nôn rồi lả dần và được người xung quanh phát hiện đưa đi viện. Đến viện thì chồng con bà đều hôn mê.
“Vợ chồng tôi khi tỉnh lại cũng đòi về nhà để dồn tiền cứu con nhưng bác sĩ không cho, về thì chỉ có chết mà đưa con về đau xót lắm. Nếu có cơ hội cứu được con thì giá nào vợ chồng tôi cũng chấp nhận”, bà Cúc nghẹn ngào nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ đang nỗ lực "còn nước còn tát" để cứu các bệnh nhân, trừ tình trạng của người con trai quá xấu nên đành cho xuất viện theo yêu cầu của gia đình. "Quan trọng lúc này là cứu người bệnh, vấn đề tài chính tạm gác sang một bên", bác sĩ chia sẻ.
Hiện tình trạng bà Cúc tiến triển tốt với 90% khả năng sống, trong khi đó tình hình người bố vẫn rất xấu, bị suy gan, chức năng gan kém nên tiên lượng vẫn có thể tử vong.
Vợ chồng bà Cúc có 4 người con với 3 gái, một trai. Các con gái đều đi làm xa, ở nhà chỉ có người con trai và bố mẹ.
Phương Trang