Trong buổi giới thiệu đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Khúc ca hòa bình, sáng 6/7 tại TP HCM, bà Trịnh Vĩnh Trinh nói quan sát thấy một số ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc Trịnh rất hay, có tìm tòi và sáng tạo riêng. Vì vậy, gia đình muốn tìm thêm những người mới kế thừa thế hệ cũ vốn tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng với dòng nhạc Trịnh như nghệ sĩ Khánh Ly, Lệ Thu.
"Sắp tới, chúng tôi thực hiện những đêm nhạc Trịnh dành cho sinh viên ở đại học cả nước. Khán giả trẻ họ thích bản phối, cách thể hiện mang màu sắc mới. Chúng tôi mong muốn tạo ra một thế hệ mới hát nhạc Trịnh", bà Trịnh Vĩnh Trinh nói.
Gần 24 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, bà Vĩnh Trinh cho biết đau đáu việc nối tiếp di sản âm nhạc ông để lại. Gia đình còn kết hợp với Đại học Fulbright Việt Nam thành lập Nhóm nghiên cứu và biểu diễn nhạc Trịnh.
Trong Khúc ca hòa bình sẽ diễn ra tại Quảng Trị vào ngày 13/7, bà Trịnh Vĩnh Trinh mời hai giọng CeCe Trương (26 tuổi), Viết Thu (31 tuổi) góp mặt bên cạnh các tên tuổi như ca sĩ Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, Tấn Sơn. Theo Viết Thu, hát nhạc Trịnh hay không khó nhưng để nắm bắt được đúng tinh thần, ý nghĩa của ca từ thì lớp người trẻ như anh phải dày công tìm hiểu. "Tôi may mắn được ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh dìu dắt, hướng dẫn cách hát từng câu chữ", anh nói.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh đảm nhiệm vai trò biên tập ca khúc, còn chồng bà - ông Nguyễn Trung Trực - làm tổng đạo diễn cho Khúc ca hòa bình. Ca sĩ cho biết mỗi lần thực hiện đêm nhạc Trịnh, bà luôn trân trọng tấm lòng thương nhớ của mọi người dành cho anh trai.
Chương trình gồm ba phần: Cho tôi đi nâng dậy hòa bình, Tình ca hòa bình, Hãy yêu nhau đi. Bên cạnh các tiết mục dàn dựng với đội múa, ban tổ chức còn sử dụng tư liệu trong phim Vĩ tuyến 17, ngày và đêm, Em và Trịnh để minh họa.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất ngày 1/4/2001. Ông có khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình.
Trong số các ca sĩ từng hát nhạc Trịnh, nghệ sĩ Khánh Ly được xem là giọng hát biểu tượng. Ca sĩ gặp Trịnh Công Sơn lần đầu năm 1964, khi bà đang hát ở Đà Lạt. Năm 1967, hai người gặp lại ở Sài Gòn. Với chất giọng khàn, sâu lắng, lên cao vẫn vang sáng cùng lối hát bạch thanh, bà ghi dấu trong phần lớn bài nhạc Trịnh, đặc biệt là loạt ca khúc Da Vàng. Từ đây, hai nghệ sĩ bắt đầu một trong những sự hợp tác nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Sự kết hợp không chỉ giúp tên tuổi cả hai vang danh trong nước, mà còn gây chú ý ở nước ngoài, với hai triệu đĩa ca khúc Ngủ đi con được bán ra tại Nhật.
Hoàng Dung