Mặc đồng phục y tá màu xanh lam, Grace có những nét đặc trưng của người châu Á. Mái tóc chấm ngang vai, trước ngực đeo máy ảnh nhiệt, để đo nhiệt độ cũng như đo khả năng phản ứng của người bệnh.
Grace sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chẩn đoán cho bệnh nhân. "Nữ y tá" này có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại hoặc tiếng Quảng Đông (Trung Quốc). Robot này cũng có thể trò chuyện, đọc tiểu sử bệnh và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trước khi phát triển Grace, hãng robot do David Hanson sáng lập, đã từng chế tạo thành công robot hình người nổi tiếng Sophia. Theo nhà sáng lập David Hanson, Grace có sự tương đồng với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, có khả năng tương tác xã hội nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên bệnh viện tuyến đầu trong đại dịch.
Hình dáng của Grace giống với con người, là sự kết hợp giữa phong cách châu Á và phương Tây tạo nên sự tin tưởng, gắn kết tự nhiên. Grace có thể mô phỏng hoạt động của hơn 48 cơ mặt chính.
Giám đốc điều hành liên doanh giữa Hanson Robotics và Awakening Health, David Lake tiết lộ, họ dự định sản xuất hàng loạt phiên bản Grace vào năm tới. Các phiên bản beta sẽ được sản xuất tại Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chi phí để chế tạo Grace gần bằng giá của chiếc xe hơi sang trọng, tuy nhiên, giá sẽ giảm khi sản xuất hàng loạt.
Giáo sư Kim Min-Sun thuộc Đại học Hawaii (Mỹ) đánh giá, sự ra mắt của Grace diễn ra trong bối cảnh tác động toàn cầu bởi nCoV khiến nhu cầu về robot hình người trở nên cấp thiết. Do các nước áp lệnh phong tỏa trong thời gian dài, khiến nhiều nhiều người bị cô lập. Từ đó, trạng thái tinh thần của họ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực.
"Nếu họ có thể nhận được sự giúp đỡ thông qua việc triển khai các robot xã hội này trong môi trường thân thiện, chắc chắn nó sẽ có tác động tích cực đến xã hội", giáo sư Kim nói.
Đăng Hưng (Theo Reuters)