Tôi đã dành thời gian để đọc những góp ý, bình luận, ghi nhận sự nhiệt tình của các bạn. Tuy nhiên, các bạn vẫn còn hiểu sai nhiều vấn đề. Tôi lý giải thêm một lần nữa và đây cũng là lần cuối xin được bàn về vấn đề này.
Thứ nhất, các bạn cho rằng tôi gia trưởng. Xin khẳng định không chỉ mình tôi mà đây là nếp sống, nếp văn hóa ứng xử của nơi tôi sống. Tôi giả thuyết nếu chỉ có bản thân gia trưởng, yêu cầu đàn ông mâm cao, phụ nữ mâm bếp; còn những người đàn ông khác không có cùng tư tưởng thì mình tôi có thể chia mâm ra như vậy không? Không những tôi và những người đàn ông khác đồng thuận, cả những người phụ nữ ở đây cũng đồng ý. Nếu họ không đồng ý mà yêu cầu ngồi chung thì một mình tôi làm được gì. Các bạn vui lòng hiểu đúng bản chất và đừng phán xét tôi khi chưa hiểu văn hóa bản sắc nơi tôi ở.
Thứ hai, phụ nữ quê tôi rất thành thạo nữ công gia chánh, từ việc đơn giản như cắt tiết gà, làm gà cho đến việc phức tạp như làm mắm tôm, mắm tép, nước tương, nước mắm họ đều làm được. Đừng bảo vì đàn ông ép buộc mà chính họ cũng thấy hạnh phúc khi quẩn quanh bếp núc và chăm lo cho gia đình mình. Tất cả những món ăn từ đơn giản đến đãi tiệc vợ tôi đều làm được, làm tốt và có thể một mình xử lý 20 mâm cỗ, chưa bao giờ than phiền về vấn đề này. Vợ tôi nói riêng và phụ nữ nơi đây nói chung thao tác nhanh gọn, sạch sẽ, tinh tươm, chén bát có kỹ năng rửa vừa sạch vừa tốn ít nước rửa chén nhất có thể (vừa tốt cho sức khỏe, không nuốt phải các hóa chất trong bọt rửa chén, vừa tiết kiệm tiền của). Việc lau nhà cũng vậy, 10 phút là vợ tôi gọn gàng sạch bóng không một dấu bụi, lại rất ít hao nước lau sàn. Qua tay em dâu thì mọi thứ bốc mùi thơm của hóa chất nồng nặc, nhiều không phải là tốt.
Thứ ba, phụ nữ quê tôi coi chuyện sinh con đẻ cái là thiên chức to lớn vĩ đại của người phụ nữ, cưới cả trâu lẫn nghé là một niềm hạnh phúc không thể nào bằng. Em dâu có tư tưởng không phù hợp với văn hóa quê tôi. Họ hàng hối em chuyện sinh đẻ thì em "bật" chan chát. O tôi kể rằng hôm đám cưới thấy bụng em hơi to mới hỏi được mấy tháng rồi, em lại bốp chát rằng: "Hôm nay cháu mới cưới mà sao mấy tháng được hả o". O bảo: "Cái A vợ thằng B nhỏ tuổi hơn mi đã có con bế rồi". Em lại nói kiểu nhà em không như nhà em A, nhà em thì cưới xong mới chửa. Tôi cho rằng em đang tự cho mình cao sang mà khinh thường lối sống của người dân quê tôi. Trong dòng họ tôi nhiều vợ chồng có con trước rồi mới cưới, giờ cưới về lại không chửa đẻ gì được thì chẳng lẽ ly hôn. Thái độ của em với o nhà tôi theo kiểu khinh thường lý lẽ của chúng tôi, nói cách nào em cũng chưa chịu có con.
Thứ tư, tôi nhiều lần kêu gọi vợ chồng em về Nghệ An sống, kiếm cho em việc văn thư ở trường nơi tôi đang dạy. Em một mực không đồng ý và theo kiểu nói của em thì công việc đó không sánh nổi so với việc ở công ty em đang làm tại Hà Nội. Đỉnh điểm là khi em nói rằng ở chỗ tôi thậm chí còn không có cả rạp chiếu phim, công viên xa xôi mới có, siêu thị quán cà phê thì đừng mơ, chỉ có chợ làng, bạn bè không có, gia đình không có, em có muốn đi chơi cũng chẳng biết đi đâu. Tôi tự hỏi chẳng lẽ rạp chiếu phim, siêu thị, quán cà phê... những thứ vật chất ấy mới quyết định giá trị của một nơi đáng sống? Chính em nói "gia đình không có, em không biết chơi với ai"; vậy thực chất em có coi nhà chồng là gia đình không mà tôi phải coi em là người trong nhà như bạn đọc bình luận?
Em lý luận rằng em trai tôi học đại học và sống, làm việc tại Hà Nội 13 năm rồi, cũng coi như quen chỗ sống, có bạn bè, có vợ và gia đình vợ cũng là gia đình em tôi. Còn em về quê tôi chỉ mong thăm bố mẹ để bố mẹ đỡ nhớ con trai và con dâu, chứ sống nhất quyết không đồng tình vì coi như phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi cách đây 4 năm em đã phải chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội là đã một lần thay đổi nơi ở. Tôi lại thấy em hám vật chất, không muốn hướng về nguồn cội. Đổi được một lần thì lần thứ hai, không lý gì không đổi nơi ở được, lấy chồng phải theo chồng. Sau này con cái em sinh ra không có môi trường như những đứa con của chúng tôi, cháu sẽ chơi một mình sao? Một đứa trẻ không lớn lên cùng nguồn cội thì đừng mong nó hướng về cội nguồn gốc rễ, rồi nó sẽ ham cuộc sống Hà Nội phồn hoa. Em trai út tôi lại đồng ý ở Hà Nội, biết em ham vui với bạn bè, tôi nhiều lần thuyết phục em hướng về cội nguồn, về sống cùng và chăm sóc bố mẹ, em lại như kiểu bị vợ "tẩy não". Điều đó khiến tôi rất mệt mỏi.
Chúng tôi đề cao sự tiết kiệm. Vợ tôi nhiều lần kể lại rằng em dâu dùng tiền như phá, thấy em dùng một thiết bị rửa mặt, hỏi thì em bảo tầm 200 nghìn đồng. Tuy nhiên khi vợ tôi tra nhãn hiệu loại thiết bị rửa mặt đó trên mạng thì giá thị trường là hơn 4 triệu đồng. Tương tự, loại kem chống nắng dưỡng da em dùng đều khai giá thấp xuống trong khi vợ tôi tìm hiểu đúng loại đó toàn tầm 400 nghìn đồng cho một lọ dung tích rất ít. Theo vợ tôi quan sát, em dâu ở trong nhà cũng bôi kem chống nắng, như vậy chưa tới một tháng em sẽ dùng hết chai tầm 400 nghìn đồng kia. Son môi em dùng cũng toàn hàng hiệu. Một người vợ, người mẹ không có ý thức tiết kiệm cho gia đình nhỏ thì đừng nói tới chuyện mua nhà, mua đất, mua xe, vậy mà lại không chịu về quê sống, có sẵn đất đai.
Tôi chỉ nêu sơ sơ những điều không vừa ý. Còn rất nhiều thứ thiếu sót từ em, như em đi vệ sinh xong không ý tứ đợi cho hết mùi rồi mới ra khỏi nhà vệ sinh cho người tiếp theo và, xong là em ra luôn, người sau không biết bước vào thì nồng nặc mùi khó chịu. Phải tôi thì tôi sẽ dội nước nhiều lần đến khi hết mùi hôi, đợi thêm vài phút cho bớt hẳn mùi mới bước ra. Không ai muốn vào nhà vệ sinh mà nồng nặc mùi từ người đi trước. Nhắc nhở thì em nói theo kiểu đó là nơi để đi nhẹ đi nặng, đã đi thì phải có mùi thôi. Nói chung quá nhiều thứ mà tôi nghĩ em dùng một đời để học hỏi cũng chưa chắc đã học được như những người phụ nữ ý tứ quê tôi. Đối với các bạn đọc, tôi ghi nhận những ý kiến của mọi người dù rất cảm tính và không hiểu hết vấn đề. Cảm ơn.
Tùng
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.