Theo Sở Y tế Lào Cai, ngày 13/1, ngoài em bé tử vong, còn một bé 2 tuổi đang được điều trị tại viện. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Quốc gia, các bé bị ngộ độc độc tố axit cyanhidric có trong sắn cao sản.
Sắn cao sản được trồng để sử dụng trong công nghiệp chế biến bột ngọt, mì ăn liền, glucose, phụ gia, dược phẩm, rượu. Sắn cao sản có cọng lá dày màu xanh ánh vàng, đọt lá màu tím, đặc biệt củ nhỏ, tròn, dài, có vỏ lụa màu trắng.
Sắn cao sản chứa độc tố axit cyanhidric cao hơn các loại sắn khác. Độc tố này có nhiều trong vỏ, ruột, lá sắn, làm ức chế khả năng sử dụng ôxy của tế bào, gây suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch, gấp mấy chục lần sắn thường. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Biểu hiện ngộ độc sắn thường xuất hiện vài giờ sau ăn. Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy, rối loạn thần kinh như váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, run, co giật..., có trường hợp sốt, ho.
Sở Y tế Lào Cai cho biết người dân trồng sắn cao sản để bán cho các xưởng chế biến thành tinh bột, xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện vào vụ thu hoạch chính. Để phòng chống ngộ độc sắn cao sản, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người dân không nên sử dụng sắn cao sản để chế biến thành thực phẩm.
Đối với các loại sắn thông thường khác, cần chế biến ngay khi thu hoạch, nếu chế biến không kịp thì phải vùi xuống đất. Trước khi chế biến, cần lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc, mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu có vị đắng không nên ăn. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường để trung hòa chất độc. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối, nếu ngộ độc nạn nhân đang ngủ khó phát hiện.
Khi bị ngộ độc sắn, trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.