Trên tầng ba một tòa nhà từ thời Xô Viết ở Kharkiv, Tamara mở cửa, đón ba vị khách vào nhà.
"Xin chào", người phụ nữ thì thầm để không đánh thức đứa con trai đang ngủ. "Tamara" không phải tên thật song bà mẹ 31 tuổi muốn bảo vệ danh tính. Hành xóm xung quanh chắc chắn sẽ xì xào nếu biết con cô là một trong những em bé đầu tiên nhận ADN từ ba người khác nhau.
Ngồi xuống cạnh bàn ăn, Tamara bắt đầu kể lại câu chuyện của mình. "6 năm trước, tôi gặp chồng mình hiện nay và chúng tôi cố gắng có con suốt 6 tháng", cô kể với NPR.
Bất chấp mọi nỗ lực, Tamara không thể mang bầu. Trải qua nhiều đợt thụ tinh trong ống nghiệm từ năm này qua năm khác, tin vui vẫn không đến với hai vợ chồng. Tamara hy vọng để rồi lại thất vọng: "Tôi rất buồn. Nhiều lúc, tôi đánh mất cả niềm tin nhưng rồi tự ép mình bình tĩnh lại. Vì có con là mục tiêu bạn không thể từ bỏ".
Một ngày, Tamara nghe đến Bệnh viện Nadiya ở Kiev. Các bác sĩ tại đây tuyên bố có thể giúp phái đẹp sinh nở bằng phương pháp chỉnh sửa gene. Cụ thể, tinh trùng của chồng Tamara sẽ được thụ tinh với trứng của Tamara và trứng hiến tặng đến từ một phụ nữ khác. Sau đó, đội ngũ y tế loại bỏ hầu hết ADN trong trứng hiến tặng đã qua thụ tinh rồi thay bằng ADN trong trứng của Tamara.
"Phản ứng đầu tiên của tôi là: 'Ôi, khoa học đã tiến đến bước này ư'", Tamara nhớ lại. "Thật phi thường và không thể tin nổi".
Xuất phát từ ý tưởng tận dụng ADN ti thể hiến tặng, kỹ thuật chỉnh sửa gene ra đời nhằm hỗ trợ chị em bị dị tật di truyền sinh con khỏe mạnh, không mắc bệnh. Em bé chào đời bằng phương pháp này sẽ mang ADN của ba đối tượng là bố mẹ ruột và người cho trứng.
Dẫu trái tự nhiên, vợ chồng Tamara không ngần ngại mà đồng ý ngay. "Chỗ ADN ít ỏi đó không quyết định những thứ quan trọng như màu mắt, màu tóc, tính cách đứa trẻ nên cũng không quá quan trọng", Tamara lý giải. "Rốt cuộc, chúng ta đều là con của Adam và Eve. Tất cả chúng ta đều kết nối với nhau".
Cuối cùng, may mắn đã đến. Lần đầu tiên, Tamara được mang thai, nghe tiếng tim con đập trong tử cung và sinh nở. "Đã có biết bao nụ cười và nước mắt hạnh phúc. Tôi không thể diễn tả nổi", người phụ nữ nghẹn ngào. "Đó chính là cảm giác hạnh phúc".
Hiện nay, con trai Tamara đã 15 tháng tuổi. "Tôi vô cùng sung sướng", bà mẹ trẻ chia sẻ. "Tôi có một đứa con và thằng bé thật xinh đẹp. Con dễ thương, thông minh và rất giống tôi".
Tuy nhiên, trong lúc Tamara mãn nguyện với kết quả, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ phương pháp chỉnh sửa gene.
"Chúng ta không biết kỹ thuật này an toàn hay không, ông Jeffrey Kahn, giám đốc Viện Đạo đức Sinh học Johns Hopkins Berman đặt vấn đề. Trên thực tế, không ai biết điều gì sẽ xảy ra với con trai Tamara sau vài tháng, vài năm tới.
Theo ông Kahn, nhận ADN từ người lạ còn làm "thay đổi gốc rễ, tổ tiên" của một cá nhân. Hơn nữa, kỹ thuật thay đổi gene dễ bị lợi dụng vào mục đích khác thay vì phòng tránh bệnh, ví dụ như thiết kế trẻ em với những nét tính cách đặc biệt.
Bác sĩ Valery Zukin, người đứng đầu Bệnh viện Nadiya phủ nhận mọi lo ngại trên. Ông khẳng định mọi đứa trẻ được tạo ra từ kỹ thuật chỉnh sửa gene đều khỏe mạnh. Ngoài Tamara, Bệnh viện Nadiya còn hỗ trợ ba phụ nữ khác thụ thai bằng phương pháp này.
Chi phí Tamara phải trả cho kỹ thuật chỉnh sửa gene là 8.000 USD. Đối với bệnh nhân nước ngoài, con số tăng gần gấp đôi lên 15.000 USD. Số tiền không hề nhỏ đi kèm nhiều câu hỏi chưa có trả lời nhưng với Tamara chẳng hề quan trọng. "Tôi khát khao một đứa con nên chẳng màng đến chuyện kỹ thuật ấy vẫn đang thử nghiệm", cô tâm sự. "Từ quan điểm của tôi, bạn sửa được cái gì thì hãy sửa".
Kết thúc câu chuyện, Tamara tiễn khách và đánh thức con trai. Thấy người lạ, cậu bé tỏ ra sợ hãi. "Tôi xin lỗi, ở tuổi này chúng ta vẫn thường nhút nhát mà", bà mẹ trẻ giải thích.