Theo New York Post ngày 2/4, khi bé được ba tháng tuổi, cha mẹ nhận thấy con có hai cục thịt nhô ra ở bìu nên đưa tới bệnh viện. Các bác sĩ bất ngờ phát hiện bé có ba dương vật, trong đó một hoạt động, hai không có ống dẫn nước tiểu.
Một trong hai dương vật mọc cùng gốc với bộ phận chính dài 2 cm,dương vật còn lại chỉ dài 1 cm. Các bác sĩ đã cắt bỏ hai bộ phận thừa này và không phát hiện thêm bất thường ở các cơ quan khác. Em bé đã phục hồi mà không gặp phản ứng phụ.
Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Phẫu thuật Quốc tế tháng 11/2020, bác sĩ Shakir Saleem Jabali và Ayad Ahmad Mohammed cho rằng đây là em bé có ba dương vật đầu tiên được ghi nhận trên thế giới. Theo hai chuyên gia, mỗi trường hợp thừa dương vật là một ca riêng biệt, không ca nào giống nhau.
Việc điều trị có phần khó khăn do liên quan tới các khía cạnh y học, đạo đức và thẩm mỹ, đồng thời cần đến đội ngũ y tế đa ngành và quá trình theo dõi lâu dài. Nghiên cứu cho thấy dị tật này rất hiếm gặp, xảy ra ở một trong 5-6 triệu người. Ca đầu tiên được phát hiện vào năm 1609 bởi bác sĩ Johannes Jacob Wecker. Tới nay, chỉ 100 trường hợp trên thế giới được báo cáo.
Theo các bác sĩ, dị tật này có khả năng xảy ra trong quá trình phát triển dương vật của phôi thai ở giữa tuần thứ 3 và tuần thứ 6 thai kỳ. Các yếu tố như ma túy và nhiễm trùng cũng có thể là một phần nguyên nhân gây dị tật. Nhóm nghiên cứu cho biết trường hợp của em bé Iraq là một bí ẩn vì bé không tiếp xúc với ma túy khi còn trong bụng mẹ, đồng thời không có tiền sử di truyền dị tật trong gia đình.
Mai Dung (Theo Science Direct, Science Times)