Hình ảnh được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng ghi lại ngày 30/6. Trong ảnh, em bé nhắm mắt, trên tay nắm chặt cuống vòng và dây, đưa sát vào miệng. Khi vừa đăng tải trên trang mạng xã hội riêng của bệnh viện, bức ảnh nhận được 3.000 lượt like, hơn 7.000 lượt bình luận và chia sẻ. Mọi người đều cảm thấy thích thú với điều này.
Bác sĩ Trần Việt Phương, Trưởng khoa Sản 2, kể khi bé ra luôn cùng vòng thì bé quờ túm luôn lấy vòng. "Đỡ đẻ xong, thấy trường hợp này hay quá nên tôi chụp lại, không ngờ mọi người quan tâm nhiều thế".
Bác sĩ cho biết sản phụ 34 tuổi, đẻ thường hai lần trước. Cách đây hai năm, chị có đi đặt vòng tránh thai ở bệnh viện huyện. Đến khi thấy chậm kinh, sản phụ đi siêu âm thì phát hiện thai làm tổ đúng vị trí đặt vòng, được 5 tuần.
Sáng 30/6, sản phụ chuyển dạ và sinh bé trai nặng 3,2 kg, khỏe mạnh hồng hào. Lúc này, vòng tránh thai đã tụt xuống eo và cổ tử cung. Đến lúc đầu và tay bé ra khỏi bụng mẹ, vòng tụt xuống, bé nắm chặt luôn lấy vòng tránh thai.
Sản phụ và bé "mẹ tròn con vuông", đang được theo dõi chăm sóc tại bệnh viện.
Bác sĩ Phương nhận định, thông thường tỷ lệ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có thai rất hiếm, chỉ chiếm 2%. Có thể do trong quá trình đặt, vòng bị tụt xuống nên không có khả năng tránh thai nữa.Bác sĩ khuyên chị em phụ nữ nếu muốn đặt vòng tránh thai, nên kiểm tra định kỳ, tránh trường hợp vòng đi lạc.
Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung của phụ nữ tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài trong nhiều năm. Hai loại thông dụng hiện nay là vòng hình chữ T và hình cánh cung, có quấn đồng. Cơ chế tác dụng chính của vòng tránh thai là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về cấu trúc sinh hóa tế bào nội mạc, không tạo điều kiện để trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Thúy Quỳnh