H.T. -
Tomás Eloy Martínez tin rằng, việc trở thành một nhà báo lớn vừa khiến tính mạng ông nhiều lần bị đe dọa, vừa góp phần cứu sống ông. Những năm 1970, khi đang làm phóng viên cho một tờ báo ở Buenos Aires nhà văn bị một tổ chức bán quân sự liệt vào danh sách đen cần phải trừ khử. Martínez mặc kệ mọi lời đe dọa, kể cả một bức thư nặc danh cảnh báo sẽ đặt bom tại nhà riêng của ông. Chỉ đến khi nhận thấy có cả một nhóm người được trang bị vũ khí bao vây một cửa hàng sang trọng nơi mình đang ăn trưa, nhà văn mới tá hỏa, sợ đến cứng người lại. "Nhưng tôi vẫn muốn có ai đó chụp hình lại những kẻ định giết tôi", nhà văn kể. Khi ông gọi về tòa soạn đề nghị cử một phóng viên ảnh đến cửa hàng, người trực điện thoại trả lời: "Việc gì phải tiết kiệm như thế. Tôi sẽ gọi tất cả những phóng viên ảnh mà chúng ta có". Nhưng Martínez tin rằng, nhóm phóng viên ảnh cũng sợ đội quân giết người đến phát khiếp.
Ông bay đến Paris, sống nhờ trong dinh sự của Đại sứ Argentina, về sau là tiểu thuyết gia Carlos Fuentes. Sau 10 năm lưu vong, ông từ Pháp trở về Venezuela rồi đến Mỹ năm 1982. Tại đây, ông trở thành giáo sư dạy văn học Mỹ Latin tại Đại học Rutgers ở New Jersey. Ông vừa giảng dạy, vừa viết trên mảnh đất không phải là quê hương mình.
![]() |
Nhà văn Tomás Eloy Martínez. |
Tuy nhiên, trí tưởng tượng, cảm hứng nghệ thuật của ông vẫn hướng về đất nước. Khi vạch mặt một tổ chức chính trị đen tối của Argentina trên báo chí Venezuela, ông bị cấm xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết cho tới khi chế độ dân chủ được thiết lập lại ở Argentina. Cuốn tiểu thuyết The Perón Novel (1985) của ông là một tác phẩm trào phúng chính trị viết về sự trở lại của Juan Perón năm 1973 sau 18 năm sống lưu vong. Tiếp sau đó, nhà văn còn rất thành công với cuốn tiểu thuyết Santa Evita (1995) dựa trên những giai thoại về người vợ thứ hai của tổng thống Perón. Cuốn sách trở thành best-seller tại Argentina suốt một năm và đã được dịch ra 30 thứ tiếng.
Trong danh sách những người hâm mộ cuốn tiểu thuyết này của Martínez có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên văn đàn Mỹ Latin. Gabriel García Márquez nói: "Đây là cuốn sách mà tôi muốn đọc đi đọc lại"; Mario Vargas Llosa gọi Santa Evita là "cuốn tiểu thuyết bậc thày", Fuentes trầm trồ: "một tác phẩm đáng kinh ngạc, xứng tầm một kỳ công", còn Isabel Allende bình luận, đây là "một câu chuyện phi thường về niềm đam mê đến điên dại của một nhà văn vĩ đại". Nhưng cũng chính Santa Evita là cuốn sách gây tranh cãi nhất. Độc giả Argentina đã rất băn khoăn trước câu hỏi, đâu là điểm cuối cùng của sự thật và đâu là nơi trí tưởng tượng bắt đầu? Bởi tuy là một cuốn tiểu thuyết nhưng nhà văn đã đưa vào đó nội dung những cuộc phỏng vấn được ông thực hiện với cả những người làm tóc, những người tham gia ướp xác Eva Perón.
The Tango Singer - cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn cũng liên quan đến những sự kiện được coi là đen tối nhất trong lịch sử Buenos Aires. Cuốn sách từng lọt vào chung khảo giải Man Booker. Nói về cuốn sách của mình, Martínez cho biết, cuốn tiểu thuyết "nhằm vẽ ra một tấm bản đồ về thành phố Buenos Aires - một địa hình mà người ta không thể nhận thấy bằng mắt thường".
Sự thực là nhà văn được yêu cầu viết một cuốn sách người thật việc thật về thành phố thủ đô. Nhưng khi vào tay ông, The Tango Singer biến thành một cuốn tiểu thuyết.
Sinh năm 1934 tại thành phố Tucumán, phía Bắc Argentina, Martínez chuyển đến Buenos Aires vào những năm 1950 và làm việc với tư cách là một nhà phê bình phim. Ông đọc ngấu nhiến tiểu thuyết của các nhà văn Mỹ và Pháp như Faulkner, Hemingway, Henry James, Flaubert và Dumas. Nhưng với ông, Borges "mới là người mở cánh cửa thế giới cho thế hệ chúng tôi".
Dù bám chặt lịch sử, nhà văn cho biết, cách tiếp cận của ông rất khác với lối viết của thập kỷ 70 trong những tác phẩm như Terra Nostra của Fuentes hay I The Supreme của Augusto Roa Bastos. "Chúng tôi không chấp nhận khái niệm tiểu thuyết lịch sử. Giờ chúng tôi viết bằng trí tưởng tượng, dựa trên những nhân vật có thật, rồi cấy vào đó một số điều nghi vấn. Viết tiểu thuyết nghĩa là không phải lo lắng gì về tự do sáng tác cả".
Nhà văn đã phải trả giá bằng những năm tháng sống lưu vong của mình. Ông phải sống cách xa với 6 đứa con có được từ hai cuộc hôn nhân. Năm 2000, người vợ Venezuela từng chung sống 21 năm với ông bị một kẻ lái xe say rượu giết chết. Ông cưới Gabriela Esquivada - một nhà báo Argentina năm 2003.
(Nguồn: The Guardian)