"Nếu một câu lạc bộ đã chiến thắng quá lâu, họ có xu hướng tự thỏa mãn một chút, tự cảm thấy quyền lực một chút, nhưng sau đó họ không giành chức vô địch nữa. California đã chiến thắng quá lâu rồi", Musk ví von về môi trường pháp lý của California với Wall Street Journal và lý do khiến ông rời nơi này.
Musk là người nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ chính sách thuế của California, cho rằng đó là rào cản khiến giới siêu giàu phải rời nơi này. Texas hiện không có quy định thuế thu nhập tiểu bang, trong khi California có mức thuế 13,3%, cao nhất nước Mỹ.
CEO của Tesla và SpaceX cho rằng chính sách thuế tại California là "độc quyền, không thể phá bỏ" và các quy định là "bất tử", không thể thay đổi. Theo ông, chính quyền bang nên suy nghĩ về việc bỏ các quy định trên thay vì đưa thêm các luật mới.
Musk cho biết vẫn duy trì các hoạt động của mình tại Tesla và SpaceX - hai công ty đang đặt trụ sở tại California. Nhưng khi đề cập việc đã rời bang này hay chưa, ông xác nhận: "Với tôi, vâng, tôi đã chuyển đến Texas".
Musk là một trong những người góp phần cho làn sóng "di cư công nghệ" khỏi Thung lũng Silicon. Thời gian qua, nhiều CEO, công ty công nghệ và các nhà đầu tư mạo hiểm đã rời bỏ nơi đây để chuyển đến Texas - tiểu bang có diện tích và dân số lớn thứ hai của nước Mỹ. Việc "di cư" chủ yếu giúp họ tiết kiệm được hàng tỷ USD tiền thuế.
Elon Musk hiện là CEO được trả lương cao nhất ở Mỹ, năm ngoái là khoảng 600 triệu USD. Tính đến tháng 10/2020, CEO Tesla đã hoàn thành hầu hết mục tiêu kinh doanh của công ty và kiếm được khoản thưởng trị giá khoảng 20 tỷ USD trước thuế.
Cuối tháng 11, Hewlett Packard Enterprise (HPE) thông báo sẽ chuyển trụ sở toàn cầu của mình từ Thung lũng Silicon đến Texas. HPE được thành lập năm 2015, tách từ hãng máy tính Hewlett-Packard (HP). HPE tập trung vào kinh doanh phần cứng trung tâm dữ liệu và phần mềm doanh nghiệp, trong khi, HP giữ nguyên hoạt động sản xuất máy in và PC.
Bảo Lâm (theo CNBC)