Elon Musk cần 44 tỷ USD để mua Twitter và ông phải tự bỏ ra hai phần ba số này. Đây là một con số lớn dù ông có tài sản ròng khoảng 250 tỷ USD. Khối tài sản này gắn liền với cổ phiếu Tesla, cùng với vốn chủ sở hữu trong SpaceX và The Boring, nên Musk sẽ phải bán hàng triệu cổ phiếu và chi thêm hàng triệu USD để huy động đủ tiền.
Theo hồ sơ từ Sở Chứng khoán Mỹ (SEC), kế hoạch tài chính cho thương vụ mua Twitter của Musk sẽ bao gồm 13 tỷ USD tiền vay ngân hàng và 21 tỷ USD tiền mặt, có thể là từ việc bán cổ phiếu Tesla. Nó cũng sẽ bao gồm một khoản vay 12,5 tỷ USD thế chấp bằng cổ phiếu Tesla.
Vì các ngân hàng yêu cầu đảm bảo cao hơn cho các cổ phiếu có hệ số beta (hệ số đo lường mức biến động của một chứng khoán) cao như Tesla, Musk sẽ cần phải thế chấp khoảng 65 tỷ USD cổ phiếu Tesla, hoặc khoảng một phần tư tổng số tài sản hiện tại của ông cho khoản vay, theo các tài liệu.
Theo công ty nghiên cứu Audit Analytics, Musk đã có sẵn hơn 90 tỷ USD giá trị cổ phiếu được thế chấp cho các khoản vay. Tổng số tiền khiến Musk trở thành con nợ vay thế chấp bằng cổ phiếu tính theo USD lớn nhất trong số các CEO tại Mỹ. Con số này vượt xa người xếp thứ hai là Larry Ellison, Chủ tịch kiêm CEO Oracle, với khoản nợ 24 tỷ USD, theo ISS Corporate Solutions.
Nợ vay từ thế chấp cổ phiếu của Musk đã chiếm áp đảo trên toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ. Giá trị cổ phiếu của ông được mang đi thế chấp trước thương vụ Twitter vốn đã chiếm hơn một phần ba trong tổng 240 tỷ USD của mọi cổ phiếu được cầm cố tại các công ty niêm yết trên NYSE và Nasdaq, theo Audit Analytics. Với thương vụ lần này, khoản nợ đó có thể tăng cao hơn nữa.
Cụ thể, hồ sơ SEC của Tesla cho thấy Musk đã thế chấp 88 triệu cổ phiếu, nhưng không rõ ông vay bao nhiêu từ chúng. Nếu ông thế chấp số cổ phiếu này vào năm 2020, khi nó giao dịch ở mức 90 USD, ông đã có thể vay khoảng 2 tỷ USD. Ngày nay, sức vay của số cổ phiếu Tesla đã tăng gấp 10 lần. Vì vậy, ông có thể vay 20 tỷ USD hoặc hơn. Trong trường hợp này, sẽ chỉ khoảng một phần ba số cổ phiếu của ông trong Tesla cần mang đi thế chấp để mua Twitter.
Tuy nhiên, nếu Musk tăng vay khi cổ phiếu Tesla tăng giá trị, ông có thể phải cần thế chấp thêm. Giả sử ông đã vay tối đa 88 triệu cổ phiếu (điều này rất khó xảy ra) và giờ phải thế chấp thêm 60 triệu cổ phiếu để có tiền mua Twitter. Có nghĩa là, hơn 80% cổ phiếu Tesla mà ông sở hữu được mang đi thế chấp.
Điều đó sẽ khiến Musk chỉ còn khoảng 25 tỷ USD cổ phiếu Tesla chưa bị cầm cố. Nếu ông phải bán 21 tỷ USD số cổ phiếu còn lại này để đủ tiền mua Twitter, cũng như hoàn tất nghĩa vụ thuế, tức là toàn bộ số cổ phiếu Tesla của ông gần như đã mang đi thế chấp hết.
Tất nhiên, Musk cũng có rất nhiều cơ hội, đặc biệt là khi ông tiếp tục nhận được các quyền chọn cổ phiếu mới, như một phần trong kế hoạch trả thưởng của Tesla. 170 triệu cổ phiếu Tesla ông hữu hoàn toàn, kết hợp với 73 triệu quyền chọn, mang lại cho ông 23% cổ phần tiềm năng trong hãng xe điện, với giá trị hơn 214 tỷ USD. Phần còn lại trong khối tài sản đến từ hơn 50% cổ phần trong SpaceX và các dự án kinh doanh khác.
Ông đã nhận được 25 triệu quyền chọn khác như một phần của kế hoạch trong tháng này, khi Tesla tiếp tục đạt được các mục tiêu về hiệu suất. Mặc dù Musk không thể bán các quyền chọn mới nhận được trong 5 năm, nhưng anh ấy có thể mang chúng đi vay thế chấp.
Tuy nhiên, các khoản vay hàng chục tỷ USD của Musk thể hiện một cấp độ rủi ro mới của một CEO. Những rủi ro đã hiện rõ trong tuần này, khi giá cổ phiếu của Tesla giảm 12% vào thứ ba (26/4), khiến tài sản ông bốc hơi hơn 20 tỷ USD.
Động thái của Musk diễn ra trong bối cảnh các công ty khác đang siết chặt việc cầm cố cổ phiếu của giới CEO. Hơn hai phần ba số công ty thuộc S&P 500 hiện có chính sách chống cầm cố nghiêm ngặt, cấm tất cả các giám đốc điều hành và giám đốc cầm cố cổ phiếu công ty để vay, theo dữ liệu từ ISS Corporate Solutions. Một số công ty cấm nhưng cho phép các trường hợp ngoại lệ hoặc miễn trừ, như Oracle. Và chỉ 3% các công ty trong S&P như Tesla và cho phép các giám đốc thoải mái mang cổ phiếu đi thế chấp.
Jun Frank, Giám đốc điều hành của ICS Advisory thuộc ISS Corporate Solutions, cho biết các công ty hiện nhận thức rõ hơn về rủi ro cũng như chịu áp lực lớn hơn từ các nhà đầu tư trong việc lãnh đạo thế chấp cổ phiếu công ty.
"Việc cầm cố cổ phiếu của các giám đốc điều hành được coi là một rủi ro quản trị đáng kể. Nếu một giám đốc điều hành có sở hữu cam kết đáng kể không đáp ứng được lệnh gọi ký quỹ (margin call), điều đó có thể dẫn đến việc bán những cổ phiếu đó, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh", Frank nói.
Tesla tuyên bố rằng việc cho phép các giám đốc điều hành và giám đốc dùng cổ phiếu để vay thế chấp là chìa khóa cho cơ cấu chi trả thu nhập của công ty. Nhưng dù bằng cách nào, việc Musk mang phần lớn tài sản tại Tesla của mình đi vay, có thể tạo ra một chuyến phiêu lưu mạo hiểm cho các cổ đông của Tesla.
Phiên An (theo CNBC)