Tỷ phú Mỹ Elon Musk từng nhiều lần mô tả con người là hai camera (con mắt) đặt trên giá cố định (cổ) và máy tính tích hợp (bộ não), với khả năng lái xe an toàn trong thế giới vận tải đầy phức tạp. Ông cho rằng xe tự lái Tesla với hệ thống camera và hàng loại cảm biến ở khắp thân xe có thể làm công việc tương tự tốt hơn nhiều so với hai camera trên giá cố định.
Vấn đề lớn nhất là AI chưa thể làm chủ khả năng hiểu biết về thế giới thực xung quanh nó. Đây là một trong những trở ngại khó vượt qua nhất với AI. Nếu giải quyết được việc này, AI sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, không chỉ giới hạn trong công nghệ xe tự lái. Đó dường như là những gì Elon Musk đang ám chỉ với hàng loạt phát ngôn gần đây trên Twitter.
Cách tiếp cận của Tesla là chìa khóa
Thay vì huấn luyện AI suy nghĩ như một tài xế, các đối thủ của Tesla như Waymo lại đào tạo AI bằng cách lái xe rất nhiều lần trên một con đường nhằm dạy cho nó phương án điều khiển phù hợp. AI sau đó sẽ tự lái được xe, nhưng thường không thể hoạt động trên những tuyến đường lạ và khó xử lý những tình huống bất thường.
Công nghệ và phương thức đào tạo AI được Tesla phát triển khác biệt với các đối thủ. Phần lớn chuyên gia đều chỉ ra rằng AI do Tesla phát triển dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ từ mạng thần kinh nhân tạo. Nhưng thực tế, số lượng xe Tesla quá lớn khiến nhà sản xuất không thể lưu toàn bộ thông tin thu được trên đường.
Andrej Karpathy, Giám đốc AI và Autopilot Vision của Tesla, cho biết, họ tập trung vào từng lĩnh vực có thể cải thiện, như biển báo dừng xe trên đường, sau đó yêu cầu toàn bộ phương tiện gửi hình ảnh mà chúng cho là biển báo dừng xe. Dữ liệu được thu thập để đào tạo AI rồi xóa bỏ trước khi nhóm phát triển chuyển sang mục tiêu tiếp theo.
Họ có thể lưu trữ một phần dữ liệu nếu phát hiện những tình huống đặc biệt, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ thông tin được thu về. Phương pháp này giúp Tesla dạy cho AI những điều mới theo từng bước, cải thiện những điểm yếu nhất trong năng lực của nó.
Elon Musk và Andrej Karpathy đang tìm cách tự động hóa tối đa quy trình phát triển AI. Đó cũng là lý do nhóm cốt lõi của Autopilot chỉ có 10 đến 20 nhân viên.
Quá trình phát triển càng tự động, thời gian AI học càng nhanh, giúp nó cải thiện nhanh hơn nữa. Có hai rào cản quan trọng với vấn đề này: số lượng xe có thể thu thập dữ liệu trên đường và năng lực xử lý toàn bộ thông tin mà hệ thống tiếp nhận được.
Elon Musk từng khẳng định Dojo không cản trở khả năng đạt tới tự động cấp độ 4-5, mà nó sẽ đẩy nhanh tiến độ. Điểm yếu nhất trong quy trình hiện nay chính là con người.
Ẩn ý của Elon Musk về AI trong đời thực
"Hệ thống lái tự động toàn diện (FSD) bản V8.1 beta điều khiển phương tiện đưa tôi đi khắp nơi mà không cần can thiệp. Phiên bản tiếp theo là bước thay đổi lớn vượt xa điều đó. Tesla đang giải quyết một phần quan trọng của AI trong thế giới thực, đó là điều ít người biết", Musk viết trên Twitter.
"Chúng tôi đang nâng cấp toàn bộ mạng thần kinh lên video vòm, sử dụng nhiều công nghệ khác nhau, cần thêm thời gian để viết và xác thực phần mềm", một dòng tweet khác của Musk cho hay.
Elon Musk dường như ám chỉ đến bước chuyển dịch từ nhận diện vật thể sang am hiểu thế giới xung quanh khi nhắc đến "AI trong đời thực". Robot đã xuất hiện nhiều trong các nhà máy và địa điểm cần tự động hóa cao, nhưng chúng khác xa với thế giới thực mà những chiếc xe tự lái hoạt động, hay tham vọng về robot giúp việc, nấu ăn trong gia đình.
Đây đều là những vấn đề với AI trong đời thực. Tự động hóa quá trình học hỏi của AI là giải pháp thực tế duy nhất nếu con người muốn mở rộng ra ngoài những tính năng cơ bản, vốn đòi hỏi các nhà phát triển chỉ dẫn AI từng bước. Thu thập dữ liệu với những ứng dụng này rất khó khăn, vì không thể đòi hỏi hàng triệu người theo dõi và hướng dẫn AI như nhóm Autopilot của Tesla.
Các nhà đầu tư sẵn sàng đổ lượng tiền khổng lồ cho những doanh nghiệp có thể triển khai robot tự động học hỏi suốt ngày đêm, liên tục cải tiến và phát triển ra những sản phẩm có thể tung ra thị trường trong vài năm. Quy mô phát triển có thể mở rộng liên tục nếu có càng ít sự can thiệp của con người.
Những gì Tesla đã phát triển cho FSD có thể dùng để huấn luyện mọi loại AI đời thực trong tương lai. Nếu họ tiếp tục tự động hóa quy trình này, thị trường AI đời thực có thể chứng kiến sự gián đoạn lớn. Tesla cũng có thể mang tới nhiều thứ hơn là năng lực xử lý thuần túy. Phương thức này giống cơ chế học máy tự động (AutoML) của Google Cloud, nhưng với quy mô lớn hơn nhiều và có khả năng trở thành công cụ huấn luyện AI trong thực tế.
AI đời thực trong kế hoạch của Elon Musk
Tham vọng của Elon Musk vẫn luôn là bảo tồn nhận thức của con người, nhưng có thể chia thành 3 mục tiêu nhỏ, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để hướng tới mục đích.
Mục tiêu dễ nhất là mở rộng sự sống của con người ra nhiều hành tinh khác nhau, sử dụng tên lửa tái sử dụng của SpaceX để xây dựng nền văn minh trên sao Hỏa. Thứ hai là bảo tồn Trái Đất là loài người với sự giúp đỡ của Tesla, trong đó xoay quanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và bảo đảm Trái Đất vẫn có thể hỗ trợ sự sống. Cuối cùng là phát triển AI.
OpenAI được khởi động nhằm ngăn AI xóa sổ loài người, trong khi Neuralink có thể cho phép con người kết hợp với AI. Boring Company và Starlink cũng có thể giúp Tesla và SpaceX hoàn thành mục tiêu riêng. Starlink cung cấp vốn, trong khi Boring Company hạn chế ùn tắc giao thông trên Trái Đất và tạo ra nơi ở cho con người trên sao Hỏa.
Nếu có thể giải quyết vấn đề của AI trong đời thực, con người có thể để robot làm nhiều công việc khó khăn và nguy hiểm, giúp thực hiện nhiều mục tiêu mà Elon Musk đề ra.
Điệp Anh (Theo Clean Technica)