Theo tài liệu mới được nộp lên tòa án trong cuộc chiến pháp lý giữa Musk và Twitter, vài ngày trước khi công bố ý định mua mạng xã hội, tỷ phú Mỹ đã nhắn tin cho Jack Dorsey. Trong đó, cựu CEO Twitter nói ông không còn tin tưởng vào công ty do mình sáng lập.
"Cần có nền tảng mới và đó không thể là một công ty. Đó là lý do tôi bỏ đi", Dorsey cho biết trong tin nhắn ngày 26/3. Ông cũng nói nó cần là "giao thức nguồn mở" và không phụ thuộc mô hình quảng cáo như Twitter hiện nay. "Twitter đáng lẽ không bao giờ được trở thành công ty, đó là tội lỗi đầu tiên", cựu CEO mạng xã hội nhận xét.
Tỷ phú Mỹ tỏ ra hứng thú với ý tưởng của Dorsey. "Tôi nghĩ sẽ đáng bỏ công sức để điều chỉnh Twitter đi theo hướng tốt hơn, cũng như tạo ra thứ gì đó mới mẻ và mang tính phi tập trung", Musk nói.
Đoạn trao đổi nằm trong hàng loạt tin nhắn được công bố tuần này, cho thấy góc nhìn mới về thương vụ trị giá 44 tỷ USD và nỗ lực rút khỏi hợp đồng của Musk. Nó cũng hé lộ một phần quá trình thương thảo trong lòng Thung lũng Silicon, khi hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ trao đổi với Musk về thương vụ, thậm chí đề nghị hỗ trợ tài chính cho kế hoạch này.
"Đây không phải điều tốt và nhiều khả năng sẽ làm suy yếu vị thế pháp lý của Musk. Nó có thể gây thêm khó khăn cho phe của Musk", Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nhận xét.
Elon Musk dự kiến đối đầu với Twitter tại tòa án trong năm ngày 17-22/10, trong đó mạng xã hội tìm cách buộc tỷ phú Mỹ hoàn tất thương vụ 44 tỷ USD sau khi ông tuyên bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 7.
Matthew Schettenhelm, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, cho rằng loạt tin nhắn đã củng cố các luận điểm của Twitter cũng như cho thấy "điểm yếu" trong nỗ lực bào chữa của tỷ phú Mỹ.
Nhóm pháp lý của Musk đến nay vẫn dựa vào những cáo buộc rằng Twitter cố ý đánh lừa tỷ phú Mỹ và các nhà đầu tư về số lượng người dùng thực sự trên nền tảng này. "Tuy nhiên, các tin nhắn của Musk cho thấy những suy nghĩ không ăn nhập với những luận điểm tranh tụng chủ chốt của ông ấy", Schettenhelm cho hay.
Trong tin nhắn với Chủ tịch Twitter Bret Taylor ngày 9/4, cùng ngày Musk công bố kế hoạch mua lại mạng xã hội, tỷ phú Mỹ cho rằng rất khó sửa chữa Twitter và giải quyết những vấn đề với tài khoản giả mạo nếu không biến công ty thành doanh nghiệp tư nhân.
"Xóa bỏ các tài khoản giả mạo sẽ khiến số liệu trông rất tồi tệ. Quá trình tái cấu trúc nên được thực hiện dưới dạng công ty tư nhân", Musk nhắn cho Taylor.
Erik Gordon, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, cho rằng việc tỷ phú Mỹ đã nhận thức rõ về vấn đề bot từ trước khi mua Twitter sẽ khiến ông khó lòng chiến thắng tại tòa với lý do "bị lừa dối về số lượng tài khoản giả".
Twitter cũng cho rằng Musk có thể đánh cắp dữ liệu nội bộ của họ và thành lập một công ty cạnh tranh. Những tin nhắn của tỷ phú Mỹ cho thấy có vẻ ông đã nghĩ đến kế hoạch xây dựng một nền tảng mạng xã hội mới cùng thời điểm kêu gọi mua Twitter. Trong tin nhắn gửi em trai Kimbal, Elon Musk chia sẻ ý tưởng xây dựng nền tảng mạng xã hội dựa trên blockchain.
Theo Ann Lipton, giảng viên luật tại Trường Luật Tulane, điều này có thể mang đến lợi thế tranh tụng cho Twitter và buộc Musk thực hiện hợp đồng.
Các tin nhắn thể hiênn Musk nghiêm túc với ý định mua Twitter, nhưng ông rất chậm chạp trong quá trình chia sẻ thông tin với Chủ tịch Taylor và CEO Parag Agrawal. "Musk nhận ra thay đổi Twitter khó hơn rất nhiều so với tưởng tượng", Jasmin Enberg, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Insider Intelligence, nói.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rất khó đánh giá tác động thật sự của những tin nhắn này. "Không có nội dung nào thật sự gây sốc. Các tin nhắn có thể được dùng để mô tả những câu chuyện khác nhau, tùy thuộc vào bên sử dụng chúng", Gerard Filitti, chuyên gia tư vấn tại tổ chức phi lợi nhuận The Lawfare Project, nêu quan điểm.
Điệp Anh (Theo CNN)