"Bây giờ là năm 2030 và ở châu Âu, bạn đang bị xét xử vì thích một meme", Musk ngày 25/8 đăng dòng tweet mỉa mai trên mạng xã hội X, kèm theo tin tức giám đốc điều hành (CEO) Telegram Durov bị bắt.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, điều được quy định theo Tu chính án thứ nhất của Mỹ, và phản đối cách tiếp cận của châu Âu.
Musk liên tục chia sẻ video những phát biểu của CEO Telegram kèm hashtag #Trả tự do cho Durov. Ông cũng chia sẻ lại bài đăng của một người dùng X có tiêu đề "Pháp ủng hộ tội phạm, chống lại tự do".
Pháp bắt Durov tại sân bay ở ngoại ô Paris ngày 24/8, sau khi ông này đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng, theo lệnh bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát.
OFMIN, cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp, đã phát lệnh bắt Durov với cáo buộc Telegram không có đủ người kiểm duyệt, thiếu hợp tác với chính quyền. Cảnh sát tin rằng tình trạng trên cùng các tính năng mã hóa của Telegram đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn, khiến Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố...
Durov, 39 tuổi, có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Ông được cho là sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Hãng thông tấn TASS cùng ngày đưa tin đại sứ quán Nga tại Pháp đã yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với Durov, đồng thời kêu gọi đảm bảo các quyền của ông, song chính quyền Pháp đến nay vẫn "từ chối hợp tác".
Nhà bình luận người Mỹ Tucker Carlson, người từng phỏng vấn Durov, cho rằng CEO Telegram đã bị bắt vì từ chối "kiểm duyệt sự thật".
"Pavel Durov đang ngồi tù tại Pháp tối nay, một lời cảnh báo sống động cho bất kỳ chủ sở hữu nền tảng nào từ chối kiểm duyệt sự thật theo lệnh của chính phủ và các cơ quan tình báo", ông viết trên X.
Trước khi thành lập Telegram, Durov đã tạo ra Vkontakte (VK), mạng xã hội lớn nhất Nga, nhưng buộc phải rời khỏi đất nước vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu từ chính phủ về việc giao nộp dữ liệu liên quan đến những người biểu tình Ukraine. Kể từ đó, Durov đã sống ở nhiều quốc gia khác nhau, cuối cùng định cư tại Dubai, nơi Telegram đặt trụ sở chính.
Telegram có hơn 900 triệu người sử dụng, nổi tiếng về mã hóa đầu cuối (chỉ những người liên lạc với nhau có thể đọc được tin nhắn) và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Sự tập trung vào bảo mật đã khiến Telegram trở thành nền tảng được người dùng ưu tiên quyền riêng tư ưa thích, nhưng tính năng này cũng khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các tổ chức tội phạm và các nhóm cực đoan.
Trong những năm gần đây, Telegram đã phải đối mặt với chỉ trích vì cho phép lan truyền thông tin sai lệch, nội dung cực đoan và các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm cả hoạt động cực hữu đã gây ra bạo lực. Bất chấp những tranh cãi này, nền tảng vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở các nước như Nga, Ukraine và các quốc gia Liên Xô cũ khác, bao gồm cả các khu vực xung đột, nơi nó đóng vai trò là công cụ quan trọng để giao tiếp.
Quan điểm của Durov về quyền riêng tư và việc từ chối kiểm duyệt nội dung trên Telegram đã khiến tỷ phú trở thành gương mặt gây tranh cãi. Trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay với Carlson, Durov nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giữ Telegram "trung lập" và không bị ảnh hưởng bởi địa chính trị.
Một điều tra viên hôm 24/8 cho biết họ bất ngờ khi Durov đến Paris dù biết bản thân đang bị truy nã tại đây.
Vũ Hoàng (Theo TASS, NDTV, Express Tribune)