Theo Straits Times, đợt nắng nóng ở Pakisan vừa qua khiến hơn 1.000 người chết, 14.000 người phải nhập viện. Trước đó, nắng nóng ở Ấn Độ khiến 2.500 người thiệt mạng.
Trong khi đó, ở Singapore, người dân vã mồ hôi dưới cái nóng 34 độ C. Miền bắc Việt Nam cũng hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài, với nền nhiệt trên 40 độ C những ngày qua.
Tại Malaysia, cơ quan khí tượng đang chờ chính phủ cho phép phun hạt giống làm mưa nhân tạo, hy vọng lấp đầy các hồ chứa đang khô cạn. Còn tại Indonesia, giới chức luôn đặt mức cảnh báo cháy rừng cao nhất, khi thời tiết đang vào mùa khô hạn.
Trong khi đó ở châu Âu, 43 trong số 50 tỉnh ở Tây Ban Nha bị đặt mức cảnh báo màu cam, cao thứ hai trong số 4 mức cảnh báo của cơ quan khí tượng châu Âu. Tại thành phố Seville, người dân trèo vào các đài phun nước, nhảy xuống sông tắm để tránh nóng, khi nhiệt độ ngoài trời đạt mức 42 độ C.
Còn Paris, nhiệt độ dự kiến sẽ lên tới 37 độ C, hầu hết các vùng nước Pháp đặt trong tình trạng báo động màu cam. Giới chức cảnh báo, khách bộ hành nên đi lại trong những khu vực công cộng có điều hòa như rạp chiếu phim hay trung tâm mua sắm. Có lẽ nước Pháp vẫn nhớ ký ức kinh hoàng về đợt nắng nóng năm 2003, khiến 70.000 người dân châu Âu thiệt mạng, trong đó có 14.000 người Pháp.
Phía tây nước Mỹ, bang Oregon, Washington và Idaho cũng đang hứng chịu nền nhiệt cao kỷ lục, nhiều vụ cháy rừng lớn đã xảy ra.
Toàn cần nóng lên do biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố gia tăng các đợt nắng nóng những năm gần đây. Vài tháng tới, khi El Nino hoạt động mạnh hơn, kết hợp với hạn hán kéo dài ở châu Á và lũ lụt ở Nam Mỹ, sản lượng lương thực thế giới sẽ sụt giảm mạnh.
Theo Wall Street Journal, chính phủ Mỹ, Australia và Nhật xác nhận El Nino đang quay trở lại sau khi gây ảnh hưởng nặng nề lên mùa màng năm 2009-2010. Nhiệt độ mặt nước biển phía đông Thái Bình Dương đã tăng lên 4%.
El Nino xảy ra khi gió ở vùng xích đạo Thái Bình Dương đến chậm hoặc đổi hướng, khiến nước ấm lên trên diện tích rộng, thay đổi mô hình thời tiết toàn cầu. Nó làm giảm lượng mưa ở Australia và toàn khu vực Đông Nam và Nam Á, kéo theo nỗi lo ngại về suy giảm sản lượng lương thực thế giới.
22 trong số 76 tỉnh của Thái Lan đang bị hạn hán nặng. Chính phủ yêu cầu nông dân trồng lúa dọc lưu vực sông Chao Phraya tạm ngừng cấy lúa, cho đến khi có mưa.
El Nino gây khô hạn trên vành đai trồng ngũ cốc phía đông Australia, nước xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới. Dự kiến, giá lúa mỳ sẽ tăng mạnh, trong khi sản lượng sụt giảm.
Hai nhà sản xuất cà phê hạt Robusta là Indonesia và Việt Nam đang hứng chịu đợt hạn hán kéo dài. Sản lượng cà phê của Indonesia dự kiến sẽ sụt giảm 15%. Tuy nhiên Brazil, nước sản xuất hạt cà phê Arabia lại có lợi, khi thời tiết nóng lên.
Ấn Độ là nguồn cung cấp đường lớn thứ hai thế giới. Dự kiến năm nay, El Nino sẽ làm giảm sản lượng cây mía ở Ấn Độ. Năm 2009, El Nino từng gây ra đợt hạn hán nghiêm trọng, đẩy giá đường thế giới lên mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại.
Hồng Hạnh