Cô có tên tiếng Trung là Cốc Ái Lăng, là một trong ngôi sao thể thao được chú ý nhất tại Thế vận hội Mùa đông 2022, diễn ra ở Trung Quốc. Hôm 8/2, cô gây sốt khi đoạt huy chương vàng môn Big air (nhào lộn trên không với ván trượt tuyết). Giới chuyên môn dự đoán cô đoạt huy chương hai môn khác ở Olympic năm nay.
Theo SCMP, trước Olympic, loạt thương hiệu xa xỉ quốc tế "xếp hàng" chờ Eileen Gu quay quảng cáo. Với huy chương vàng trượt tuyết, Eileen Gu có thể nhận được các hợp đồng quảng cáo trị giá 10 triệu USD.
Trên Sina hôm 8/2, đại diện một công ty hợp tác với Eileen Gu tiết lộ trước khi giành huy chương Olympic, hợp đồng của cô với một số thương hiệu vào khoảng hai triệu USD. Năm ngoái, cô ký hợp đồng với hơn 20 thương hiệu, tổng thu nhập ít nhất 40 triệu USD. Chưa đầy 19 tuổi, Eileen Gu trở thành ngôi sao hốt bạc.
Tờ New York Times nhận xét Eileen Gu đa năng. Khán giả có thể gọi cô là vận động viên, cũng có thể gọi là người mẫu hoặc "học bá" - cụm từ chỉ người có thành tích học tập xuất sắc. Để có thời gian luyện thi Olympic, Eileen Gu tốt nghiệp cấp ba ở Mỹ chỉ sau một năm học. Sau đó, nữ sinh trúng tuyển Đại học Stanford, lùi lịch học để chuyên tâm luyện thể thao.
Theo Xinhua, những thành tích của Eileen Gu một phần liên quan giáo dục của gia đình. Mẹ cô - Cốc Yến - là người Trung Quốc, tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Bắc Kinh - ngôi trường hàng đầu châu Á. Năm 22 tuổi, Cốc Yến du học Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ ở Đại học Stanford. Ban đầu, bà làm việc lĩnh vực sinh học nhưng sau đó chuyển sang mảng đầu tư mạo hiểm. Cha của Eileen Gu là người Mỹ, tốt nghiệp Đại học Harvard. Cha mẹ ly hôn khi cô còn bé, Eileen Gu chủ yếu sống với mẹ. Mỗi dịp hè, cô đều theo mẹ về Bắc Kinh sống cùng ông bà ngoại. Bà ngoại cô cũng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, từng là cán bộ Bộ giao thông Vận tải Trung Quốc. Ông bà cô đều đam mê thể thao.
Thuở nhỏ, Eileen Gu thường hỏi mẹ đại học nào tốt nhất, khó thi đậu nhất thế giới, mẹ cô trả lời là Stanford. Vì thế, Eileen Gu muốn chinh phục trường này. Cốc Yến từng nói với con: "Con không cần vào Stanford, con học trường nào cũng được, miễn là con đặc biệt yêu thích. Nhưng hãy nhớ, học là việc của cả đời".
Cốc Yến từng nói khích lệ trẻ nhỏ quan trọng hơn là phân tích, phê bình. Bà dặn con ngủ đủ để phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ. Từ nhỏ tới lớn, mỗi ngày Eileen Gu ngủ khoảng 10 tiếng. Eileen Gu cho biết mục tiêu của cô không phải chiến thắng người khác mà là vượt qua những giới hạn của bản thân, khích lệ các cô gái dũng cảm đón nhận thử thách. "Tôi không muốn làm thần tượng, tôi muốn là bạn của mọi người", cô từng viết trên trang cá nhân.
Eileen Gu từng thi thể thao với tư cách vận động viên Mỹ nhưng từ năm 2019, cô gia nhập đội tuyển của Trung Quốc. Điều này dấy lên nhiều tranh cãi. Theo CNN, đằng sau thành công của Eileen Gu là áp lực lớn. Không ít người gọi cô là "đứa trẻ vô ơn của Mỹ" vì được giáo dục, đào tạo ở Mỹ nhưng lại thi đấu cho Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn truyền thông tại họp báo sau khi đoạt huy chương vàng hôm 8/2, Eileen Gu phản hồi về việc bị một bộ phận khán giả công kích: "Tôi không cố gắng để tất cả đều hài lòng về mình. Trước mỗi lựa chọn, tôi cố gắng quyết định để nhiều người được hưởng lợi ích hơn. Nếu ai đó không tin tôi, có lẽ họ không đủ sự đồng cảm và rộng lượng để chấp nhận thiện ý của người khác".
Nghinh Xuân