"Chúng tôi đã nộp các tài liệu để gia hạn thời gian tị nạn ở Nga", AFP dẫn lời Anatoly Kucherena, luật sư của Snowden, cho biết.
Ông Kucherena không tiết lộ Snowden muốn ở lại bao lâu, mong muốn tư cách gì hay có muốn trở thành công dân Nga hay không, với lý do quyền quyết định thuộc về Cơ quan Di trú Liên bang Nga.
Từ tháng 6 năm ngoái, Snowden được phép tị nạn ở Nga sau khi gây chấn động dư luận thế giới bằng việc công bố hoạt động do thám quy mô lớn của Mỹ trên toàn cầu.
Người bị coi là "kẻ tội đồ" của nước Mỹ này không thể đi khỏi sân bay Sheremetyevo, Nga, để đến nơi khác vì bị Mỹ hủy hộ chiếu. Anh ta phải trú ngụ tại khu vực quá cảnh ở sân bay nhiều tuần trước khi Moscow cấp giấy chứng nhận cho phép tị nạn một năm.
Mặc dù Snowden tăng cường hiện diện trên truyền thông qua một số cuộc phỏng vấn được kiểm soát chặt chẽ, nhưng cuộc sống của anh ta ở Nga vẫn là một bí ẩn. Một số người nói trông thấy Snowden vẫn ở trong hoặc gần Moscow.
Snowden cũng gửi đơn xin tị nạn đến các nước khác, trong đó có Ecuador, Brazil và Đức, đồng thời thừa nhận muốn trở về nhà, nơi anh ta phải đối diện với cáo buộc gián điệp và có thể dẫn tới án tù lâu năm. Đầu năm nay, hai nhật báo New York Times của Mỹ và Guardian của Anh kêu gọi Washington khoan hồng với Snowden.
Những người ủng hộ gọi Snowden là người hùng, còn những người chỉ trích gọi anh ta là kẻ phản bội. Snowden khẳng định, mình là người thổi còi, đưa ra ánh sáng việc Chính phủ Mỹ theo dõi các công dân và chính phủ các nước khác với lý do các mối nghi về khủng bố.
Việc Nga cho phép Snowden tị nạn năm ngoái được coi là một nguồn cơn chính gây căng thẳng giữa Moscow và Washington, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 9 năm 2013. Vụ việc của Snowden, cùng với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng ba vừa qua đã đẩy quan hệ Mỹ - Nga đến mức tồi tệ nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Hôm qua, các nhà chức trách Đức thông báo mở cuộc điều tra vụ gián điệp thứ hai có liên quan đến Mỹ, một tuần sau khi phát hiện ra sự việc tương tự, đe dọa làm rạn nứt thêm mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Berlin. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng tuyên bố Washington đang theo dõi điện thoại di động của bà và chỉ trích gay gắt hành động đó.
Khánh Lynh