"Đối với cá nhân tôi, nhiệm vụ đã hoàn thành. Tôi đã thắng", AFP dẫn lời Snowden nói với tờ The Washington Post trong cuộc phỏng vấn trực tiếp đầu tiên kể từ khi anh đến Nga hồi tháng 6.
Snowden cho biết bản thân hài lòng vì giờ đây công chúng đã được biết về chương trình theo dõi mạng và điện thoại của chính phủ Mỹ.
"Bạn hãy nhớ rằng, tôi không muốn thay đổi toàn xã hội. Tôi muốn xã hội tự nhận ra và tự quyết định khi nào thì nên thay đổi".
Hôm 20/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẵn sàng cho một cuộc tranh luận về vai trò của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong khi cân nhắc khả năng thay đổi mức quyền hạn của cơ quan này bởi công chúng đang phản đối kịch liệt vì quyền riêng tư bị xâm phạm. Obama nói ông sẽ ra một " tuyên bố khá dứt khoát" về NSA vào tháng 1/2014.
Nhóm các chuyên gia pháp lý được chỉ định bởi Nhà Trắng đã đề nghị hạn chế quyền hạn của NSA bằng 46 sự thay đổi. Một thẩm phán liên bang cũng cảnh báo rằng việc NSA thường xuyên theo dõi gần như tất cả các cuộc điện thoại cá nhân của người Mỹ là trái với hiến pháp.
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden làm dư luận dậy sóng bằng việc hé lộ chương trình theo dõi bí mật người dùng Internet và điện thoại của chính phủ Mỹ vào hồi tháng 6. Hệ thống giám sát Prism cho phép NSA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của các công ty Internet Mỹ, thu thập các thư điện tử, các cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng... NSA còn lấy cả các dữ liệu cuộc gọi của hàng triệu công dân Mỹ.
Tiết lộ động trời của Snowden khiến không chỉ công dân Mỹ mà cả những nhà lãnh đạo các nước đồng minh cũng tức giận khi biết mình đang bị theo dõi.
Các công tố viên tòa án liên bang đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với Snowden, cáo buộc anh có hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản của chính phủ. Nhưng cựu nhân viên CIA cho rằng anh chưa bao giờ phản bội NSA, anh chỉ muốn thay đổi và cải thiện cơ quan này. Snowden hiện sống ẩn dật ở Nga, sau khi được quốc gia này cấp quyền tị nạn tạm thời một năm.
Trần Trang