Theo chuyên trang công nghệ TechCrunch, vào đầu tháng 9, Edupia - một Edtech Việt đã huy động thành công khoản đầu tư này trong vòng gọi vốn series A do quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures dẫn đầu, có sự tham gia của eWTP Capital và ThinkZone Ventures. Nhờ vậy, tổng số vốn mà công ty huy động được kể từ khi thành lập đã chạm mốc 16 triệu USD.
Theo đó, Edupia thực hiện chiến lược đa kênh để có thể tiếp cận khách hàng từ nhiều hướng khác nhau, từ đó, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, các kênh bán hàng chính bao gồm quảng cáo trực tuyến, kênh trường học, người có tầm ảnh hưởng (KOLs), marketing truyền miệng... Đội ngũ bán hàng của Edupia cũng đã tiếp cận tới 63 tỉnh thành ở Việt Nam và dự kiến đến từng trường học để giới thiệu sản phẩm.
Ông Trần Đức Hùng - nhà sáng lập kiêm CEO Edupia cho biết, để tiếp tục mở rộng thị trường ra khu vực, đơn vị hướng đến giải pháp mang lại cho học sinh trải nghiệm "trường học thực tế ảo" (Virtual School) thay vì cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ. Tại đây, học sinh có thể có những trải nghiệm chân thực như khi học tại các trung tâm Anh ngữ, có giáo viên giao bài tập, đánh giá sự tiến bộ, tổ chức cuộc thi, hoạt động học tập để tăng mức độ tương tác giữa thầy và trò.
"Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Edupia là những mô hình học Tiếng Anh trực tiếp. Tuy nhiên, với cách triển khai dạy và học online, Edupia có thể tiếp cận nhanh chóng tới 64 tỉnh thành trên cả nước", ông nói thêm.
Trên nền tảng của Edupia, mỗi nhóm lớp có 60 học sinh. Do đó, giáo viên có thể dễ dàng phụ trách tới 2.000 học sinh trên khắp cả nước.
Ngoài ra, Edupia dự kiến tập trung xây dựng các sản phẩm dành cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12. Bên cạnh thế mạnh về tiếng Anh, đơn vị mở rộng sang các môn học khác như Toán, lập trình... Đồng thời, công ty liên tục cập nhật tính năng, giải pháp công nghệ mới để mở rộng thị trường sang các quốc gia khác như Indonesia, Thái Lan, Myanmar... Từ đó, Edupia có thể tạo tiền đề cho việc phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới.
Edupia thành lập vào năm 2018 với mô hình nền tảng tự học tiếng Anh. Hiện, đơn vị có hơn 5 triệu người dùng và dự kiến chạm mốc doanh thu 100 triệu USD trong ba năm tới. Trước khi thành lập Edupia, ông Trần Đức Hùng đã có 10 năm làm Giám đốc mảng dịch vụ kỹ thuật số tại Viettel. Tại đây, ông Hùng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng chuyển dịch số sẽ mang đến cơ hội, thúc đẩy mọi mặt của đời sống xã hội.
Với xuất thân trong một gia đình giáo viên ở nông thôn, ông thấy sự khác biệt về điều kiện học tập của học sinh ở các thành phố lớn với khu vực ngoại tỉnh. Theo ông, đối với tiếng Anh, khoảng cách này càng trở nên rõ rệt, hầu như chỉ học sinh ở đô thị lớn có cơ hội tiếp cận sớm với tiếng Anh chuẩn quốc tế tại trường song ngữ, trung tâm Anh ngữ...
"Điều này thôi thúc tôi phát triển một chương trình học trực tuyến chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận với học sinh", ông chia sẻ.
Khi mô hình self-learning (tự học) của Edupia được chú ý, ông và các cộng sự nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn để thúc đẩy sự tương tác giữa học sinh cùng giáo viên. Vì vậy, Edupia tiếp tục ra mắt mô hình gia sư vào tháng 3/2021 và phát triển song song cả hai mô hình.
Đại diện Edupia cho biết thêm, nền tảng học tập trực tuyến này có sứ mệnh trở thành cầu nối thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành phố lớn với các khu vực tỉnh thành, nông thôn. Từ đó, các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các trường quốc tế hay trung tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng tiếng Anh tốt như người bản ngữ.
"Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới", ông khẳng định.
Thiên Minh