Khi Edu đang đọc quyển "Rich Dad, Poor Dad" (Dạy con làm giàu) của Robert Kiyosaki, Giberto Silva bèn nói: "Sau này thể nào cậu cũng thành một nhà quản lý cho mà xem. Cậu hợp với nghề đó lắm." Và gần hai thập kỷ sau, lời tiên tri năm nào của người đồng đội cũ đã ứng nghiệm với Edu. Ông trở lại Arsenal trong vai trò Giám đốc kỹ thuật, với trọng trách hồi sinh cho đội bóng như cái thuở còn là cầu thủ, trong đó có mùa giải bất bại ở Ngoại hạng Anh 2003-2004.
Edu có thể không phải là một nhà quản lý theo kiểu truyền thống Anh, nhưng nhờ vào kỹ năng quản lý và điều hành, cựu tiền vệ người Brazil sau khi giải nghệ đã ba lần liên tiếp đảm trách vị trí Giám đốc kỹ thuật ở cấp CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Tháng 12/2010, tiền vệ Brazil giải nghệ trong màu áo Corinthians, để rồi ba tháng sau nhận một lời mời không ngờ cho vị trí đã nói trên ở chính CLB này.
"Edu không biết làm gì khác sau khi nghỉ chơi bóng," Duilio Monteiro Alves, thành viên ban lãnh đạo Corinthians từng mời Edu về làm việc, cho biết. "Tuy nhiên, cậu ấy lại hội đủ mọi tố chất để trở thành một nhà quản lý cừ khôi. Edu rất khác biệt, cậu ấy nhã nhặn, lịch thiệp, nói được nhiều thứ tiếng và có kinh nghiệm ở châu Âu. Cậu ấy là một sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn."
Dù vậy, những tháng đầu tiên lại là một thử thách dành cho cựu tiền vệ Arsenal. Corinthians bấy giờ có một số tên tuổi lớn như Ronaldo và Roberto Carlos, nhưng bị loại khỏi Copa Libertadores một tháng trước đó, khi bị đại diện của Colombia là Tolima đánh bại. Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Edu hướng tới là giúp phòng thay đồ đội bóng tìm lại niềm tin, cũng như giải thích cho toàn đội biết rõ phong cách quản lý của ông.
"Ngay từ lúc đảm nhận cương vị mới, anh ấy đã rất rõ ràng," Chicao, cựu hậu vệ và thủ quân Corinthians, hồi tưởng. "Edu nói rằng cho dù là một Giám đốc, anh ấy vẫn sẽ là người bạn của các cầu thủ, rằng anh ấy sẽ nỗ lực hết sức để mang lại sự yên bình cho phòng thay đồ. Chúng tôi không được phép cho mọi người thấy đội đang có vấn đề khi bước ra sân. Edu đã hứa như vậy và anh ấy đã làm được."
Edu thiết lập một mối quan hệ gắn bó, tốt đẹp với HLV Corinthians thời kỳ này - Tite. Cùng nhau, họ vô địch Copa Libertadores, vô địch Brazil, vô địch bang Sao Paulo, đoạt Siêu Cup Nam Mỹ (Recopa) và đăng quang ở FIFA Club World Cup. Nhờ thành công ở Corinthians, Edu được bổ nhiệm lên vị trí tương tự ở tuyển quốc gia Brazil năm 2016, làm việc cùng Sylvinho - cũng là một đồng đội cũ ở Arsenal, và Matheus - con trai của HLV Tite.
"Edu biết cách uỷ thác công việc," Matheus Bachi khẳng định. "Tôi còn nhớ lần đầu làm việc cùng Edu, anh ấy giao tôi viết một bản báo cáo. Tôi làm tốt và nhận được sự tín nhiệm của anh ấy. Chúng tôi là một đội ăn ý. Chúng tôi có một đội ngũ chuyên phân tích những tài năng triển vọng cho Corinthians. Edu đọc tất cả báo cáo, nghiên cứu mọi cầu thủ và đưa cho cha tôi một bản danh sách để ông ấy quyết định lựa chọn mang về cầu thủ nào. Bất kỳ ai trong nhóm cũng cảm thấy có tiếng nói và quyết định đến thành quả chung."
Mauri Lima, HLV thủ môn của Corinthians thời Edu còn làm Giám đốc kỹ thuật, cũng có chung ấn tượng về cựu tiền vệ người Brazil: "Không ai giỏi bằng Edu trong việc sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cầu thủ toả sáng. Năm 2012 sau khi Edu cùng Corinthians vô địch FIFA Club World Cup, tôi có gọi điện để chúc mừng cậu ấy. Ở Corinthians, chúng tôi cộng tác với nhau trong sáu năm. Cậu ấy chính là người đã giám sát công cuộc cách mạng hoá CLB. Tôi để ý thấy giữa Edu và bất kỳ HLV nào cũng luôn có mối quan hệ thuận hoà. Cậu ấy nhận được sự tin tưởng từ ngài Chủ tịch, các cầu thủ và mọi thành viên trong ban huấn luyện."
Trong vai trò của một điều phối viên tại Liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) từ năm 2016, Edu không gặt hái được nhiều thành công như trước. Dù sở hữu rất nhiều tài năng triển vọng, các đội trẻ của Brazil đều thi đấu kém và bị loại ngay từ sớm ở các giải vô địch U17 và U20 Nam Mỹ trong năm 2019. Năm 2017, đội U20 cũng không thể giành quyền tham dự World Cup. Trước đây, các đội trẻ của Brazil có đến ba tuyển trạch viên, nhưng dưới thời Edu, đội ngũ này bị cắt giảm xuống chỉ có một người chuyên trách. Có lúc, trong một năm dưới sự quản lý của Edu, đội U20 không có HLV dẫn dắt.
Ở cấp đội tuyển quốc gia, những vấn đề cũng phát sinh với Edu, liên quan đến kế hoạch tham dự World Cup 2018. Quyết định chọn Sochi làm nơi đóng quân khiến Brazil khổ sở vì di chuyển, khi quãng đường đi lại giữa mỗi trận đấu quá xa. Trong suốt giai đoạn vòng bảng, Brazil đã phải di chuyển tổng quãng đường khoảng 7.000 km, gấp ba lần so với Argentina.
Edu còn bị chỉ trích vì cưng chiều ngôi sao Neymar. Cuối kỳ World Cup 2018, ông từng phát biểu: "Neymar đã phải trải qua một thời gian sóng gió. Cậu ấy chỉ là một chàng trai mong manh, một vận động viên thể thao xứng đáng nhận được sự ngợi khen từ tôi. Có lúc tôi cảm thấy tội nghiệp cho Neymar vì những gì mà chàng trai đáng thương này phải trải qua."
Rogerio Caboclo, Chủ tịch của CBF, mất dần niềm tin vào Edu, nhưng lời mời gọi từ Arsenal đến đúng lúc cho cả hai bên. Chỉ có điều, những thử thách tại Emirates dành cho Edu sẽ nhiều và khó giải quyết hơn so với thời ông còn ở Corinthians hay Brazil. Arsenal đã trải qua năm thứ ba liên tiếp không thể giành quyền tham dự Champions League và bản thân CLB cũng thiếu đi sức mạnh tài chính so với những đối thủ lớn khác ở Ngoại hạng Anh.
Nhưng với những người Brazil hiểu rõ con người Edu, họ tin rằng ông có chìa khoá để giúp hồi sinh Arsenal. Cựu Chủ tịch Corinthians, ông Roberto de Andrade nói: "Edu hiểu rất rõ thế giới kinh doanh, thế giới bóng đá cũng như mọi thứ xoay quanh nó. Tôi nghĩ cậu ấy có thể tạo ra sự khác biệt. Làm việc ở Brazil khó hơn ở Anh. Cũng như Arsenal, chúng tôi từng không có nhiều tiền, nhưng cậu ấy vẫn giúp Corinthians xây dựng nên một tập thể xuất sắc."
Gilberto Silva cũng đồng tình, nhưng nhấn mạnh rằng mọi thứ sẽ cần có thời gian và kiên nhẫn. "Điều đáng lo ngại cho Arsenal là CLB không thể cạnh tranh với những ông lớn khác để thực hiện những thương vụ lớn trong bối cảnh họ cần phải mang về ba hay bốn tân binh," cựu tiền vệ của Arsenal nói. "Một khác biệt lớn khác giữa công việc ở cấp CLB với cấp đội tuyển là Edu phải đối mặt với những áp lực mỗi ngày. Đội bóng ra sân hàng tuần và bạn sẽ được thử thách hàng ngày. Nhưng tôi tin dần dần từng chút một, Edu sẽ quen với chuyện đó."
Quyết định chọn Edu làm Giám đốc Kỹ thuật của Arsenal cũng nhận được sự tán thành từ Arsene Wenger. Cá nhân Giberto Silva nhìn thấy được những điểm chung giữa hai con người này. "Tôi nhìn thấy những điểm giống nhau giữa Arsene Wenger với Edu. Arsene không thích quyết định vội vàng. Ông ấy có phong cách làm việc riêng và quán xuyến mọi thứ. Tất cả đều được đánh giá, đo lường cẩn thận dù khối lượng công việc là rất lớn. Edu cũng như thế, rất cẩn thận và tính toán cho từng bước đi. Tôi nghĩ Edu sẽ thành công tại Arsenal."
Công việc mới tại Emirates cũng giúp Edu tái ngộ Unai Emery, sau lần cộng tác tại Valencia mùa 2008-2009. Valencia ngày đó còn David Villa, David Silva, Marchena hay Raul Albiol, nhưng Edu lại là một trong những cầu thủ có tiếng nói quan trọng nhất đội. "Anh ấy đúng là một thủ lĩnh thật sự," cựu thủ thành Renan của Valencia đã nói như thế. "Dựa trên kinh nghiệm, thành tích trong quá khứ và thái độ làm việc hàng ngày, Edu là một người rất có tầm ảnh hưởng".
Tầm ảnh hưởng và năng lực của Edu rất nhanh chóng được chứng tỏ tại Arsenal. Khi CLB chỉ có 45 triệu bảng (xấp xỉ 55 triệu USD), tân Giám đốc kỹ thuật vẫn khéo léo xoay sở để mang về cho Arsenal bốn tân binh từ đầu hè, với Dani Ceballos (mượn, từ Real Madrid), William Saliba (27 triệu bảng, Saint Etienne), Gabriel Martinelli (6 triệu bảng, từ Ituano), và thương vụ kỷ lục của CLB Nicolas Pepe (72 triệu bảng, từ Lille). Nếu suôn sẻ, Edu còn có thể mang thêm Kieran Tierney (25 triệu bảng) từ Celtic trong thời gian còn lại của phiên chợ hè.
Hoàng Thông (theo Guardian)