"Edinson-chín-tuổi thân mến,
Tớ viết lá thư này cho đứa trẻ mà hàng xóm vẫn gọi là “Pelado”.
Từ ấy có nghĩa là “đầu hói”.
Khi còn bé, tóc cậu bé rất thưa. Nó mọc lên chậm rì. Bực nhỉ. Cậu muốn nó mọc dài, nhưng nó chỉ kiên quyết lưa thưa vài cọng. Và nhờ “sáng kiến” của gia đình mà cậu có biệt danh là Pelado.
Nhưng thôi đừng buồn quá, tớ tiết lộ cho cậu một tin này: trong vòng hai mươi năm tới, bóng đá sẽ thay đổi cuộc đời cậu ở rất nhiều khía cạnh. Có cái tốt, có cái không tốt lắm. Và cái biệt danh kỳ cục ấy cũng sẽ không còn nữa.
Có một người tên là Gabriel Batistuta. Cậu chưa biết anh ta đâu. Vì lúc này, chương trình duy nhất mà cậu có kiên nhẫn ngồi xem là Tom & Jerry. Anh trai cậu, Nando, mới là người đầu tiên đi theo nguồn cảm hứng của Batistuta. Đầu tiên anh ấy kiên quyết không đi hớt tóc, tiếp theo anh ấy dùng máy sấy tóc của mẹ chỉ để có bề ngoài giống Batigol vĩ đại.
Khi anh ấy chạy trên sân cỏ, với mái tóc dài được buộc lại bởi sợi dây cột giày, bạn nhìn theo và nghĩ: chà, thật là ngầu!
Cuối cùng, cậu cũng đánh bạo đến nói với mẹ: "Từ giờ, con sẽ không hớt tóc nữa".
Và từ đó, thế giới ngoài kia là của cậu, với quả bóng dưới chân. Đây chính là Nam Mỹ. Bóng đá là thứ duy nhất mà cậu biết. Những thứ khác thì chẳng có gì vui thú cả. Cậu không được chơi Playstation, không có TV to, không có nước nóng, không có máy sưởi. Vào mùa đông, hệ thống sưởi ấm duy nhất là.. bốn cái chăn. Muốn nước nóng thì phải đốt lò để đun nước sôi rồi hòa vào nước lạnh. Tỷ lệ nóng lạnh rất quan trọng. Đứng trong cái bồn, cậu sẽ có ý niệm đầu tiên về… hóa học.
Nhưng ở tuổi lên chín, thế đã là xa xỉ rồi. Cậu còn nhớ ngôi nhà đầu tiên của mình không, cái nhà không có cả buồng tắm ấy? Mỗi lần muốn kỳ cọ, cậu đều phải đi ra ngoài hiên.
Để tớ nói với cậu bí mật này. Khi nghĩ về tất cả ký ức ấy, tớ không hề cảm thấy buồn hay mặc cảm. Trái lại, nó khiến tớ thấy ấm áp. Vì nó rèn cho tớ lòng dũng cảm. Thế nên, với tớ, đấy là những ký ức đẹp.
Nên đừng lo âu nhé.
Hãy tiếp tục sống dưới ánh mặt trời, Pelado.
Thế còn những poster bóng đá dán trên tường thì có ý nghĩa thế nào? Cứ mỗi hai hoặc ba năm, khi bố mẹ đổi việc làm hoặc gia đình không đủ tiền thuê nhà nữa, cậu phải chuyển sang một nơi khác. Nhưng điều tuyệt vời là dù đi đến đâu đi nữa, lúc nào trước nhà cũng có một cái sân đầy bùn đất. Quả bóng cũng không thể thiếu. Chẳng có một người chủ nhà nào có thể tước đoạt được điều đó.
Lúc này, điều quan trọng nhất trong cuộc đời của cậu là: Kem Bàn Thắng!
Kem Bàn Thắng thực sự là một ma thuật. Tớ cần phải nói chuyện với ai đó tại PSG về ý tưởng này mới được. Nó là sáng kiến của một thiên tài, và tạo ra động lực ghê gớm. Ở giải bóng đá trẻ tại Salto, những nhà tổ chức làm cách nào để giữ cho những đứa trẻ lúc nào cũng muốn xông lên ghi bàn, bất kể tỷ số của trận đấu lúc ấy đang là bao nhiêu?
Họ nghĩ ra Kem Bàn Thắng. Cứ hễ đứa bé nào ghi bàn ấn định tỷ số, nó sẽ có một cây kem bàn thắng. Tỷ số lúc ấy là 8-1, không sao cả. Bởi vì cuộc đua quan trọng nhất không còn là trên bản tỷ số, mà là với thời gian, xem ai là kẻ ghi bàn cuối cùng đây. Cảm giác khi nghe tiếng còi mãn cuộc từ HLV sau khi bản thân là người ghi bàn gần nhất thật sự không gì sánh nổi. Vui dã man. Sau một ngày dài, bạn thấy mình như một vị Vua!
Cậu đâu phải là dân thủ đô. Những đứa trẻ ở Montevideo như sống trong một thế giới khác. Và cậu thì chưa biết có một nơi chốn như thế hiện hữu trên đời. Thế giới của những đôi giày Adidas, những chiếc ô tô và thảm cỏ xanh. Cuộc sống ở Salto rất khác. Không hiểu vì sao mà tất cả bọn trẻ ở đây đều đá chân trần. Chúng có giày đấy chứ, nhưng cứ đá được một hiệp, chúng đều tháo giày, đá chân không. Nhắm mắt lại và hồi tưởng, tớ thậm chí vẫn còn cảm nhận rõ bùn dưới chân mình. Tớ nghe tim mình đập rộn, tớ thấy mình đuổi theo quả bóng, cố giành được cây kem chung cuộc.
Cậu sẽ mang cảm giác ấy suốt cuộc đời , vì cậu đến từ Nam Mỹ. Vì cậu là người Uruguay, vì cậu sinh ra tại Salto. Cậu cảm nhận bóng đá theo một cách khác biệt. Người Uruguay không bao giờ nghỉ ngơi, đấy vừa là một đặc ân, cũng là lời nguyền. Đấy là lịch sử của nền bóng đá Uruguay, cũng là lịch sử của chính Uruguay. Khi cầu thủ Uruguay khoác lên mình màu áo đội tuyển, họ cảm nhận rõ niềm tự hào của lịch sử.
Chúng ta phải luôn tiến lên, tiến lên và tiến lên. Chính cậu cũng sẽ tiến lên.
Cậu có mơ gì không, Pelado?
Tớ không nhớ chính xác mình đã mơ gì. Thời gian khiến ký ức ban đầu ấy thật mơ hồ.
Cậu có mơ mình chơi bóng tại Montevideo, như Nando không? Nếu có, cậu sẽ đạt được ước mơ ấy. Cảm giác như được dự Champions League vậy.
Cậu có mơ được sang châu Âu không? Nếu có, cậu cũng sẽ làm được. Cậu sẽ kiếm đủ tiền để giúp cho gia đình đổi đời.
Hay ước mơ của cậu là được khoác áo đội tuyển? Nếu có, cậu vẫn sẽ làm được. Đi kèm với nó sẽ là những trải nghiệm khó quên. Nó sẽ khiến cậu khóc, vì hạnh phúc và cả thất vọng.
Cậu có mơ được chơi World Cup không? Tớ sẽ không tiết lộ trước đoạn này, nhưng chỉ bật mí chút xíu: 2010 sẽ là một năm điên loạn.
Ước mơ của cậu có phải là làm ra nhiều tiền, lái những chiếc xe đẹp và ngủ trong những khách sạn đắt tiền? Pelado à, có hết, có hết nha.
Nhưng để tớ nói cho cậu biết: tất cả những điều đó thật sự không mang lại hạnh phúc đâu.
Những gì cậu có bây giờ, vào năm chín tuổi, là điều mà tớ không có được, và tớ luôn nhớ về nó, ở tuổi 31.
Cậu không có nước nóng. Cậu không có một xu dính túi. Cậu thậm chí còn không có một mái tóc ngầu. Nhưng cậu sẽ có những thứ khác. Những thứ không một tiền bạc nào mua được.
Cậu có sự tự do.
Là một đứa bé, cậu sống với một sức bật và niềm đam mê mà không một người lớn nào có được. Chúng ta luôn muốn giữ mãi những cảm giác thơ ngây bồng bột ấy, nhưng không thể được. Làm người lớn ta phải mang vác nhiều trách nhiệm quá. Quá nhiều áp lực, lòng quá nhiều nỗi băn khoăn.
Cậu có biết cuộc sống ở tuổi 31 như thế nào không?
Cậu đi từ khách sạn đến sân tập trên xe bus, rồi lại leo lên xe bus để từ sân tập ra sân bay. Đáp xuống sân bay, cậu lại trèo lên xe bus về khách sạn. Sau đó lại thêm một cuốc từ khách sạn ra sân bóng.
Trong một chừng mực nào đó, cậu đang sống giấc mơ của mình. Nhưng ở một góc nhìn khác, cậu là tù nhân của giấc mơ đó. Cậu không còn được ra ngoài và cảm giác mặt trời đang chiếu vào mình. Cậu chẳng thể cởi giày và chạy trên bùn đất với đôi chân trần. Cuộc sống ném cậu vào những nghịch cảnh. Không khác được.
Khi còn là một đứa trẻ, ta mang một ảo tưởng: người thành công nhất là người có nhiều tài sản nhất. Nhưng khi lớn lên, cậu sẽ nhận ra người thành công nhất là người đủ khôn ngoan để sống trong cuộc đời này.
Đã là cầu thủ chuyên nghiệp rồi, cậu sẽ có mọi thứ mình mơ ước. Cậu sẽ rất biết ơn bóng đá vì điều này. Nhưng nghe tớ này, Pelado. Chỉ có duy nhất một chỗ để cậu có được sự tự do tuyệt đối. Nhưng sự tự do ấy chỉ kéo dài được 90 phút, nếu cậu may mắn.
Khi xỏ giày vào chân thì không còn phân biệt là bùn đất ở Salto hay cỏ xanh ở Naples, hay trước sự dõi theo của hàng triệu người ở World Cup… tớ muốn cậu hãy nhớ lời bố.
Cậu nhớ bố nói gì trước khi cậu ra ngoài chơi bóng không?
Tớ biệt cậu nhớ mà.
Bố bảo: “Khoảnh khắc con vượt qua cái vạch màu trắng để vào sân, chỉ còn lại bóng đá mà thôi. Không gì bên ngoài có thể giúp con được nữa. Thậm chí, không thứ gì bên ngoài tồn tại nữa”.
Nếu cậu nghe những lời ấy, và nếu cậu thực sự tin nó thì thỉnh thoảng, ngay cả khi phải chơi trong áp lực ngàn cân với hàng triệu người dõi theo, cậu vẫn có cảm giác như mình đang chạy trên đôi chân trần.
Cậu sẽ cảm thấy bùn ở dưới chân.
Cậu sẽ cảm thấy tim đập loạn lên trong ngực, rồi cậu đuổi theo quả bóng, như thể đang tranh chấp danh hiệu tuyệt vời nhất thế gian.
Như thể đang tranh một cây kem vậy!
Thân mến.
Edi"
Hoài Thương lược dịch