Xuân Bình -
Đó là những bảo tàng văn học, thư viện thơ, tượng đài các nhà văn, trung tâm triển lãm sách, phố bán sách cũ, các trung tâm tour văn học hay những quán bar, quầy rượu, hoặc quán cà phê gắn liền với cuộc sống của những ngòi bút từng tạo dựng một giá trị Edinburgh.
![]() |
Đài tưởng niệm Walter Scott. Ảnh: Xuân Bình |
Trả nợ bằng... tiểu thuyết
Từ bất cứ nơi nào ở Edinburgh hôm nay, người ta đều có thể nhìn thấy tháp tưởng niệm Walter Scott định vị ở phía đông đường Hoàng Tử. Tại bảo tàng các nhà văn trong ngôi nhà Lady Stair, không gian chính là dành cho tiểu thuyết gia này. Hình ảnh của ông xuất hiện hầu khắp các ấn phẩm giới thiệu về du lịch của thành phố. Vậy mà nếu có thể quay ngược thời gian khoảng 200 năm thôi, mọi hình ảnh từ thế kỷ 18 của một nhà văn có ảnh hưởng rất lớn ở Anh đều đảo ngược đến độ xót xa.
Tôi lần theo con ngõ nhỏ ở Lawnmarket. Những vần thơ bằng chữ Scotland cổ, những câu nói nổi tiếng bằng tiếng Anh của các nhà văn, nhà thơ được chạm khắc trên những phiến đá lớn như nâng bước tôi đến bảo tàng các nhà văn. Ngôi nhà bằng đá giống như một lâu đài thu nhỏ được dựng lên từ năm 1662. Bên trong bảo tàng có trưng bày rất nhiều kỷ vật quí như hộp đựng thuốc lá bột, chiếc ly uống rượu của thi nhân mộc mạc, kẻ hát rong lịch duyệt Roburt Burns (1759-1820).
![]() |
Điêu khắc nhà thơ Robert Furguson. Ảnh: Xuân Bình. |
Trên bờ tường ấm áp màu nhung đỏ có treo bức sơn dầu rất đẹp của Giolamo Nerli vẽ Rober Louis Stevenson (1850-1894), một tiểu thuyết gia lãng tử bậc nhất thời đại Victoria. Nhưng ấn tượng nhất với tôi lại là mô hình xưởng in Ballantyne với một chiếc máy in cổ, những người thợ đang sắp chữ và sửa bản in. Nơi đây sự nghiệp kinh doanh không được may mắn của ông cùng James Ballantyne khiến Scott trở thành chúa chổm với khoản nợ lên tới 130.000 bảng (chi phí để xây đài thiên văn Greenwich hoành tráng chỉ hết 500 bảng).
Nếu hôm nay để thanh toán khoản nợ tương đương hàng triệu bảng ấy bạn sẽ làm gì? Chỉ có thể ra Bạch Hổ khoan dầu hoặc lên Thị trường chứng khoán VN tìm kiếm cơ may, chẳng ai điên rồ ngồi vào bàn để... viết. Vậy mà Walter Scott đã làm cái điều kỳ lạ ấy. Ông viết luôn trên một cái bàn lớn hai mặt với cùng lúc hai bản thảo. Năm 1810 với The lady in the lake, Ivan hoe năm 1819, The Surgeo's daughter năm 1827... Trong vòng 22 năm cuối đời, mỗi năm Walter Scott hoàn thành một cuốn sách. Ông ngồi viết cho đến khi chân trái trở bệnh. Ngày 21-9-1832 khi từ giã cõi đời, Walter Scott mới thanh khoản được mọi món nợ.
Ngẫm kỹ chi tiết hi hữu này của nghiệp văn chương, từ câu chuyện chẳng vui gì của Walter Scott mới thấy từ rất lâu rồi con chữ ở xứ sở này là rất được giá.
Làm giàu từ... chữ
Tưởng chừng huyền thoại Walter Scott mãi mãi là huyền thoại nào ngờ cuối thế kỷ 19, cũng ở Edinburgh, Conan Doyle lại thổi bùng hiện thực làm giàu bằng chữ với hàng loạt bí hiểm trong truyện trinh thám Sherlock Holmes. Và hôm nay là huyền thoại mới J.K.Rowling với tập tiểu thuyết giả tưởng Harry Potter.
![]() |
Quán The Elephan House. Ảnh: Xuân Bình. |
Ai cũng biết khi trao vào tay Harry Potter chiếc gậy phù thủy thì Rowling đã biến đổi phận mình từ một người sống dựa vào trợ cấp xã hội thành người đàn bà tỉ phú viết văn đầu tiên trên thế giới, một cái tên sánh cùng Bill Gates.
Và hôm nay tôi tận mắt chứng kiến việc J.K.Rowling đang hằng ngày "rót" tiền vào The Elephan house trên đường Geoge V hay nhà hàng Buffet King ở số 6A đường Nicolson ở thành phố Edinburgh. Du khách hằng ngày xếp hàng chờ nhau để được vào những quán này.
Họ không đói ăn, khát uống. Họ vào quán Buffet King để liên tưởng những ngày J.K.Rowling qua đây uống một ly espresso vừa trông con vừa tranh thủ viết văn kiếm sống. Nhiều người vào The Elephan house để uống một cốc chè nhài truyền thống loại nhỏ giá 1,65 bảng mà J.K.Rowling hay dùng. Chắc là rất nhộn mỗi khi nhà văn vào quán, nhiều người lại trêu cô: Hây! Cô gái, bây giờ thì giàu có chưa?
Tôi cũng vào The Elephan house để ngồi trên chiếc ghế J.K.Rowling từng ngồi và tự hỏi bao giờ những người cầm bút VN mới có thể kiếm sống được bằng chữ?
Ngoài cửa sổ, lâu đài cổ đang chìm dần trong hoàng hôn đỏ. Chỉ nghe tiếng gió như đưa đẩy câu ca xưa của Rober Louis Stevenson:
Đừng làm những gì tôi đã làm
Đừng đi con đường tôi đã đi
Tôi không thể dạy bảo điều gì
Tôi không thể dẫn đường cho ai
Tôi chỉ ra mục tiêu mà những người vĩ đại hơn sẽ thực hiện được.
(Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần)