![]() |
Sách điện tử và e-Reader dần thay thế cho sách truyền thống. |
Năm 2007, Amazon mở màn cho sự phát triển của sách kỹ thuật số bằng việc ra mắt thiết bị đọc sách điện tử (ebook reader/e-Reader) chuyên dụng Kindle. Sau đó là sự nhập cuộc của các thương hiệu khác như Barnes & Noble, Sony, Samsung, Fuji, Asus…
Tại thị trường Việt Nam, các máy đọc sách chuyên dụng có thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay với những cái tên như Amazon Kindle, Sony Reader hay Nook với nhiều phiên bản khác nhau về kiểu dáng, kích cỡ hay thế hệ máy, nhưng không phải lúc nào cũng sẵn có trên thị trường như các thiết bị điện tử phổ dụng khác. Dạo quanh các siêu thị điện máy tại các thành phố lớn, các sản phẩm hỗ trợ đọc sách chuyên dụng này gần như vắng bóng. Các địa chỉ phân phối thiết bị di động lớn như Thế Giới Di Động, Trần Anh Computer, Pico… đều không cung cấp mặt hàng này. Lý do là họ e ngại lượng tiêu thụ không nhiều như các dòng sản phẩm khác. Các siêu thị trên đều cho biết "sẽ chỉ nhập cuộc khi thị trường đủ lớn".
Hiện tại, Amazon Kindle là thương hiệu được nhắc nhiều nhất với lượng sản phẩm chiếm tới 70% trên thị trường e-reader ở Việt Nam. Nhưng Kindle cũng có doanh số hết sức khiêm tốn. Theo thống kê của công ty Nguyễn Gia, đại lý phân phối chính hãng của Amazon tại Việt Nam, doanh số bán hàng mỗi tháng của công ty này trên toàn quốc chỉ ở mức 300 đến 500 máy. Các khách hàng mua của công ty này phần lớn là các doanh nghiệp, trường học và cả các cửa hàng bán máy đọc sách khác.
Anh Vũ Mạnh Linh, đại diện của TechLand, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh các thiết bị điện tử ở Hà Nội, cho biết, lượng máy đọc sách về Việt Nam không nhiều, do không có nhà phân phối. Chủ yếu các cửa hàng này phải phụ thuộc vào nguồn hàng xách tay, nên đôi khi rơi vào tình trạng không có hàng.
Các thiết bị có tính năng đọc sách điện tử như máy tính, laptop, máy tính bảng, smartphone… phát triển bùng nổ trong vài năm gần đây đã góp phần làm đa dạng hóa thị trường thiết bị đọc sách. Phần đông giới trẻ cho rằng một máy tính bảng sẽ là lựa chọn tốt hơn so với việc sở hữu e-Reader chuyên dụng. “Ngoài việc đọc sách, tôi muốn một thiết bị đa năng hơn, vừa có thể thoại, vừa giải trí trên web, hay chơi game. Vì thế, máy tính bảng hay smartphone có màn hình lớn là lựa chọn của tôi”, anh Tiến Thành, một khách mua hàng ở cửa hàng Hitech USA (Hà Nội) nói.
![]() |
Công nghệ cho e-Reader ngày càng ưu việt hơn |
"Cánh cửa" dù nhỏ nhưng mặc dù vậy, trên thực tế thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng vẫn có những khách hàng riêng của nó.
Khi được hỏi về việc lựa chọn giữa một máy tính bảng và một máy đọc sách chuyên dụng, nhiều người dùng đã thể hiện rất rõ quan điểm: Nếu quan tâm đến khía cạnh đọc sách, và là người ham đọc sách, e-Reader là lựa chọn đúng đắn của bạn. Đọc tí chút thì được, chứ đọc lâu trên máy tính bảng quả thực hết sức mệt mỏi. Hơn nữa, e-Reader thế hệ mới cũng có đầy đủ tính năng nghe nhạc, duyệt web…
Máy đọc sách có những ưu điểm nhất định như kích cỡ gọn nhẹ, thời lượng dùng pin lâu, giá bán thấp. Thêm vào đó, những cải tiến gần đây đã mang đến chất lượng máy đọc sách tốt và nhiều chức năng hơn. Chẳng hạn, sự cải thiện đáng kể của công nghệ E-ink khiến văn bản hiển thị trên màn hình càng giống giấy thật, giúp cho việc đọc có thể kéo dài mà không gây mỏi mắt. Hoặc thời lượng dùng pin cũng được nâng cấp đáng kể. Nhiều thiết bị đã cho phép dùng tới cả tháng. Các phiên bản mới ra mắt còn hỗ trợ Wi-Fi, cho phép lướt web, tải kho sách truyện trực tuyến...
Hiện nay, tại Việt Nam, giá của các loại e-reader thông thường dao động từ gần 3 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng. Nếu chịu khó đặt mua máy đã qua sử dụng từ các website bán lẻ, người dùng có thể mua được máy gần như mới hoàn toàn với giá thấp hơn đáng kể.
Một số mẫu e-Reader được ưa chuộng trên thị trường. Amazon: - Kindle Basic (2,8 triệu đồng) - Kindle Touch (3,4 triệu đồng) - Kindle 3 (3,5 triệu đồng) Barnes & Noble: - Nook Simple Touch (2,5 triệu đồng) - Nookcolor (4,7 triệu đồng) - Nook 3G+Wifi (6,6 triệu đồng) Sony: - Sony Reader Touch (5,1 triệu đồng) - Sony Reader Pocket (4,1 triệu đồng) |
Lê Anh