Một phụ nữ đã qua đời do Ebola vào ngày 3/2 tại tỉnh Bắc Kivu, Bộ trưởng Y tế Eteni Longondo thông báo. Người này bị ốm vài ngày trước khi đến kiểm tra tại một phòng khám. Sau đó, cô đến bệnh viện Butembo, nhưng tử vong trước khi biết kết quả.
Chính phủ ngay lập tức truy vết những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để ngăn chặn dịch bệnh. Đây là đợt bùng phát Ebola thứ 12 tại Congo kể từ khi virus được phát hiện lần đầu ở quốc gia này vào năm 1976. Năm 2018 đánh dấu thời kỳ chết chóc ở Đông Congo với 2.299 người tử vong do Ebola.
Các quan chức y tế lo ngại Ebola có thể gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế mong manh của quốc gia, đặc biệt trước nguy cơ từ làn sóng Covid-19 mới.
"Dù việc phát hiện sớm giúp kiểm soát dịch từ giai đoạn đầu, Ebola và Covid-19 đã đẩy y tế Congo tới giới hạn và có thể đặt thêm gánh nặng cho hệ thống vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng", giáo sư Jason Kindrachuk, khoa vi sinh y tế và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manitoba, Canada, nói. Ông cũng đang nghiên cứu về những người sống sót sau đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi 2014-2016.
Virus Ebola có khả năng lây nhiễm cao qua dịch cơ thể như máu hoặc tinh dịch. Người phụ nữ tử vong nói trên là vợ của một bệnh nhân từng nhiễm Ebola và đã khỏi bệnh. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England, virus có thể sống trong tinh dịch trong hơn ba năm.
WHO đang cố gắng xác định chủng virus ở bệnh nhân trên để tìm ra mối liên hệ với đợt dịch trước đây. Congo trải qua hơn một phần tư thế kỷ trong xung đột và người dân ở miền đông đã mất lòng tin vào ngành y tế nước nhà.
Cư dân ở Butembo thắc mắc tại sao phải mất 4 ngày kể từ khi người phụ nữ được xét nghiệm mới có kết quả.
"Thật bực bội vì những người tiếp xúc gần đã di chuyển và rất khó để tìm thấy. Chính phủ và Bộ Y tế phải ngăn chặn dịch bệnh càng sớm càng tốt", Vianey Kasondoli, một cư dân Butembo, cho hay.
Mai Dung (Theo AP News)