Có lẽ tất cả mọi chuyện đến với chúng ta đều gắn với chữ “duyên”. “Duyên” của tôi bắt đầu từ ba năm về trước. Lúc ấy, tôi chỉ là một đứa học sinh tốt nghiệp cấp ba rồi thi đại học, nhưng kết quả không như mong muốn. Một mình tôi lẳng lặng quyết định rời xa bạn bè và đi đến một vùng đất mới. Đà Lạt, chỉ mới nghe tên mọi người cũng có thể hình dung đến Pháp như những ngôi biệt thự kiểu Pháp, khí hậu thiên nhiên mang hơi hướng của Pháp, con người thân thiện, sự yên bình và điều đặc biệt là nó được phát hiện bởi một bác sĩ đến từ Pháp- Alexandre Émile Jean Yersin. “Duyên” đã mang tôi đến với nơi đây một cách thầm lặng như thế đấy.
Tôi bắt đầu tò mò về nguồn gốc của thành phố mộng mơ này. Tôi tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến nó, chính lúc đó tôi nhận ra rằng, có lẽ nơi này thuộc về mình. Tôi muốn biết tại sao một người Pháp tìm ra Đà Lạt và ông đã để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, được nhân dân giành nhiều tình cảm đến vậy? Bởi trước đó, tôi chỉ biết đến Pháp qua những bài học lịch sử về chiến tranh, biết được ở Pháp có nhiều cảnh đẹp, có rượu vang nổi tiếng. Tôi không nghĩ rằng có những người Pháp gắn bó thật sự với đất nước của mình. Thật tình cờ khi tôi biết rằng có một ngôi trường mang tên ông đã được thành lập tại nơi đây: Trường Đại học Yersin Đà Lạt và tôi tin rằng đây chính là cơ hội tuyệt vời để tôi có thể ở lại với nơi này, tìm hiểu rõ hơn về ông cũng như về đất nước mà ông mang quốc tịch – Pháp. Niềm yêu mến của tôi với Pháp được nhen nhóm từ ấy.
Tôi luôn tìm kiếm cơ hội để có thể tiếp xúc với đất nước, văn hóa, con người, ngôn ngữ Pháp nhiều hơn. Thật may mắn, tôi được tham gia vào lớp học tiếng Pháp tại trường. Ôi! Sao đọc bảng chữ cái tiếng Việt lại giống tiếng Pháp đến lạ kỳ, tôi càng thích thú với âm điệu của ngôn ngữ này, nghe rất lạ và rất hay. Tôi bắt đầu tìm nghe những bản nhạc đầu tiên, xem những bộ phim của Pháp, tìm đọc các tác phẩm văn học của những đại thi hào Pháp. Tôi luôn mong muốn một ngày nào đó có thể gặp được một người Pháp thực thụ để trực tiếp nghe họ nói bằng tiếng Pháp.
Rồi ngày đó cũng đã đến. Tôi và bạn gặp nhau trong một buổi chiều mưa Đà Lạt. Mặc dù, tôi chỉ mới học tiếng Pháp trong thời gian rất ngắn, cũng chưa có vốn từ để hiểu người bạn ấy nói gì nhưng chỉ cần nghe tiếng nói ấy cũng đủ làm tôi hạnh phúc.
Càng tìm hiểu tôi càng yêu đất nước này, yêu buổi sáng tĩnh lặng đầy sương mù trong một cảnh phim, yêu những con phố đi bộ đông người, yêu nét cổ kính của những thành phố, viện bảo tàng, những lâu đài nổi tiếng, những vùng quê đầy nho và rượu vang. Đặc biệt tôi rất yêu những cánh đồng hoa oải hương bạt ngàn đến tận chân trời.
Càng hạnh phúc hơn khi tháng ba vừa qua trường tôi đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, 70 năm ngày mất và 150 năm ngày sinh Bác sĩ Alexandre Yersin – Một người Pháp tìm ra Đà Lạt”. Thật tuyệt vời khi tôi được gặp những người Pháp thực sự. Tôi chỉ vừa chào “Bonjour madame”, “Bonjour monsieur” thì tôi nhận được những nụ cười niềm nở, những ánh mắt trìu mến của họ và trong lòng tôi đã xem họ là những người bạn Pháp của mình. Một niềm vui sướng khó tả.
Chính cái “duyên” đã mang tôi đến Đà Lạt, giúp tôi đặt chân vào ngôi trường mang tên một người Pháp, đưa tôi đến với tiếng Pháp, được gặp gỡ những người Pháp thật dễ mến và gần gũi. Và biết đâu, chính nó cũng sẽ đưa tôi đến với nước Pháp thanh bình mà tôi hằng mơ ước.
Ba năm là khoảng thời gian không nhiều để tôi biết rõ về Pháp nhưng cũng đủ để tôi yêu “bạn”. Tôi đã yêu và thần tượng nước Pháp mất rồi, Pháp đã ở trong tim tôi. Tôi sẽ phải cố gắng học thật tốt để một thời gian sau có thể nói chuyện với những người bạn Pháp và tìm kiếm cho mình một cơ hội được tiếp xúc, học hỏi một nền giáo dục tiên tiến; được gặp nhân dân Pháp - những người yêu chuộng hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái, được đi khắp nước Pháp để càng thêm yêu Pháp hơn. Pháp ơi, chờ ta nhé.
Đặng Thị Minh Hải