Sau khi đứa con út ra đời cách đây 10 năm, chồng chị Thùy Dương gần như không còn nhớ bất kỳ ngày lễ nào, từ ngày kỷ niệm đám cưới, sinh nhật vợ, mồng 8/3... Mới đầu chị cũng buồn, thất vọng, nhưng rồi dần dần thành quen với việc trong mắt chồng chỉ có con không còn vợ. Và bản thân chị cũng xếp hạng ưu tiên của mình: nhất con, nhì việc, ba bố mẹ.
Chẳng biết từ bao giờ, nếu phải đi công tác xa, chị không còn cảm giác nhớ nhung chồng mình. “Mà có lẽ ông ấy cũng thế, chắc cũng chẳng nhớ gì đến vợ. Tính ông ấy vốn lười, đi đâu rất ngại khuân vác quà cáp, về nhà đền bù bằng cách dẫn mẹ con đi ăn”, chị kể. Vợ chồng có những đợt không gặp nhau cả tháng, chị cũng không có cảm giác chống chếnh.
Đề tài câu chuyện giữa hai vợ chồng chị chỉ đơn giản là việc học của con, việc sửa đồ hỏng trong nhà. Dù anh là mối tình đầu của chị nhưng bây giờ chị không còn cảm giác thích trò chuyện cùng anh nữa. Trong khi gặp bạn bè, chị vẫn đầy cảm hứng nói những chuyện trên trời dưới bể. “Không biết cuộc sống hôn nhân của mình như thế có bình thường không?”, chị Dương băn khoăn.
Kết hôn sau thời gian tìm hiểu chóng vánh khi cả hai đã lớn tuổi, chị Trang (Tân Bình, TP HCM) nhận thấy tình cảm dành cho chồng rất ít và anh cũng vậy. Càng ngày chị càng nhận ra vợ chồng có quá nhiều điểm khác nhau. Đi đâu, làm gì chị đều tự quyết một mình mà không thích tham khảo ý kiến chồng. Có một thời gian, vợ chồng chị đã sống ly thân khi anh phải lòng cô thợ uốn tóc. Sau đó, cô gái ấy quyết định lấy chồng và ra nước ngoài định cư. Kết quả là bây giờ trong phòng ngủ của vợ chồng chị vẫn kê hai chiếc giường.
"Tình cảm vợ chồng của mình quá hời hợt, nhưng bù lại ông xã cũng có trách nhiệm, không còn trai gái nữa, không cờ bạc, nhậu nhẹt thì biết chừng mực. Tiền lương ông ấy đều đưa cho mình quản, biết đỡ mình làm việc nhà nên mình thấy cuộc sống cũng bình an", chị Trang kể. Con gái lớn đang học đại học, con trai út học lớp 11, chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bằng lòng với cuộc sống không tình yêu như thế. Chồng chị Tâm (Từ Liêm, Hà Nội) đã theo đuổi một cô gái kém anh 20 tuổi. Biết chuyện, chị Tâm yêu cầu chồng phải giấu kín không được để con biết. 10 năm qua, trong mắt mọi người, gia đình chị vẫn là một gia đình mẫu mực, chồng biết làm kinh tế, vợ là cô giáo giỏi, hai đứa con là tấm gương con ngoan trò giỏi trong xóm. Mỗi lần anh chồng sang "phòng nhì", chị đều nói với con là bố đi công tác. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, khi đứa con út tốt nghiệp đại học, vợ chồng chị đã chính thức ly dị. Vì sợ con nghĩ quẩn, không trưởng thành nổi nên anh chị đã cố tạo vỏ bọc bố mẹ hạnh phúc trong suốt nhiều năm.
Giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TP HCM) và thạc sĩ tâm lý Mỹ Hạnh (Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) lý giải, những cặp vợ chồng không còn yêu nhau nhưng vẫn duy trì hôn nhân phần lớn là vì con cái, sợ con bị thiếu vắng tình thương, muốn con vẫn có đầy đủ cả cha lẫn mẹ và ngại dư luận. Đặc biệt với những người có nghề nghiệp liên quan nhiều tới công chúng, họ rất muốn giữ sĩ diện cho hôn nhân của mình, một cái vỏ bọc gia đình hạnh phúc để thuận lợi trong các công việc xã hội.
Không còn tình nhưng còn nghĩa, đặc biệt có mối quan hệ thông gia thân thiết cũng là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng chấp nhận duy trì cuộc sống hôn nhân không tình yêu. Sự ràng buộc về kinh tế, sợ chia tài sản khi chia tay mình sẽ bị thiệt hay không đủ khả năng kinh tế khi tự sống một mình cũng khiến nhiều người không muốn ly dị dù không hạnh phúc.
Ngoài ra, một số người cho rằng cuộc sống hôn nhân chả có gì hay, nếu có thay đổi cũng không mang lại sự khác biệt và chấp nhận sống như thế. Hoặc họ đã quen với cuộc sống cùng người bạn đời hiện tại, hôn nhân lúc này chỉ là một thói quen. Và cặp vợ chồng đó tiếp tục sống với nhau 5, 10, 15, 20 năm, thậm chí cả đời.
Trước một số ý kiến cho rằng nếu không còn tình yêu thì hãy ly hôn, giáo sư Vũ Gia Hiền cho rằng, lời khuyên này không hẳn đã đúng đắn, bởi tình yêu chỉ là một phần trong hôn nhân nói riêng và cuộc sống nói chung. Giá trị xã hội của một con người bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ, và không có thước đo chung cho tất cả.
Các chuyên gia tâm lý cũng khuyên, nếu cặp vợ chồng đã quyết định sống chung với cuộc hôn nhân "nhàn nhạt" thì cũng cần phải có trách nhiệm với nó. Dù không còn tình yêu thì vẫn cần sự tôn trọng lẫn nhau, khi đó gia đình mới có thể tồn tại. Bởi nếu vợ chồng không coi gia đình ra gì, đi ra ngoài cặp bồ, ông ăn chả bà ăn nem thì con cái sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đó giá trị sống vì con sẽ không còn, hay cái nghĩa trong tình cảm vợ chồng cũng sẽ bị mai một.
Giáo sư Vũ Gia Hiền bổ sung, nếu cặp vợ chồng vượt qua được đỉnh điểm mâu thuẫn là sự ly dị thì tình cảm có thể sẽ được điều chỉnh và điều đó có thể lại dẫn đến một kết thúc hạnh phúc.
Còn trong một buổi nói chuyện với các công đoàn viên của Liên đoàn Lao động quận 1, TP HCM, thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy (giảng viên ĐH Sư phạm TP HCM) khuyên, nếu khi cảm thấy không còn được người bạn đời quan tâm yêu thương nữa, thì tại sao ta không quan tâm đến chính mình, ta tự mua hoa tặng mình nhân ngày sinh nhật, ngày 14/2... Khi ta biết yêu bản thân, ta sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Kim Anh
* Tên nhân vật đã thay đổi.