- Thời trai trẻ, con đường nào dẫn anh tới nghiệp ca hát?
![]() |
Ca sĩ Duy Quang. Ảnh: Mỹ Thuật. |
- Ngày còn cắp sách tới trường, gia đình vẫn mong tôi học hành chăm chỉ và trở thành người có chức phận trong xã hội, có một tương lai xán lạn. Chí ít tôi sẽ trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư, vì thời đó, ca hát chưa phải là một cái nghề để kiếm sống như bây giờ. Hình như nghệ sĩ lúc đó đồng nghĩa với sự nghèo túng. Nhưng niềm đam mê âm nhạc của tôi đã nằm sẵn trong máu tự lúc nào không biết. Thuở mới lớn, những âm thanh trẻ trung, mới lạ, những giai điệu tuyệt vời đã gieo vào lòng tôi sự rung động đến tận cùng cảm giác.
Không được gia đình tin tưởng, hưởng ứng, tôi đã có những buổi trốn học đi tập đánh đàn và đến nhà bạn lắng nghe những đĩa hát ngoại quốc của các ban nhạc nổi tiếng trong thập niên 60-70 như Shadows, Beatles, Rolling Stones. Vì còn đang học nên tôi nghèo đến nỗi không có tiền mua một cái máy hát cho riêng mình. Khi bắt đầu bước vào đời, niềm đam mê âm nhạc của tôi lớn dần theo năm tháng. Tôi dành thời gian buổi tối đi đánh đàn để kiếm tiền thêm. Năm 16 tuổi, tôi vừa đi học vừa đi làm để nuôi thân, không phải xin tiền cha mẹ nữa.
- Có người nhận xét rằng, anh nổi tiếng được là nhờ "cái bóng" quá lớn của cha anh, nhạc sĩ Phạm Duy, chứ hồi trẻ anh chỉ hát được vài bài "tủ". Anh nói sao?
- Cũng đúng đấy chứ! Là con của một người nổi tiếng thì dễ nổi theo. Nhưng công tâm mà nói, không có tôi thì lấy ai để diễn tả hết mực và làm thăng hoa những bài tình ca, thất tình ca của Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên như: Em hiền như Masoeur, Hai năm tình lận đận, Thà như giọt mưa, Ta yêu em lầm lỡ, Cô Bắc kỳ nho nhỏ hay những bài tình ca như Chuyện tình buồn, Còn chút gì để nhớ, Cỏ hồng, Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi...
Khi sống ở hải ngoại, tôi là người đầu tiên làm cho thính giả biết đến và yêu thích những bài hát như: Trúc đào, Căn gác lưu đầy, Những tâm hồn cô đơn, Tôi với trời bơ vơ, Chỉ chừng đó thôi, Rừng chưa thay lá... Có thể nói rằng, tôi là ca sĩ có nhiều bài "top hit" đấy chứ.
- Vào thời 1975, gia đình anh qua Mỹ trước, còn anh đi sau. Ở lại một mình, anh làm đủ mọi việc... Nhớ lại giai đoạn đó, anh cảm thấy sao?
- Năm 1975, bố mẹ và 4 em nhỏ của tôi đi Mỹ trước. Tôi và 3 người em trai ở lại VN. Lại một lần nữa tôi thay cha mẹ đùm bọc các em. Chúng tôi lúc ấy còn bị nhiều nghi kỵ nên rất cực khổ trong cuộc sống. Tôi đã phải làm việc để sinh tồn trong giai đoạn khó khăn của đất nước.
- Đàn ông như anh, có bao giờ phải khóc một mình?
- Sau năm 16 tuổi, dù buồn cách mấy tôi cũng không khóc. Chỉ âm thầm, lặng lẽ với nỗi đau riêng mình và chẳng bao giờ muốn chia sẻ cùng ai.
- Dường như giọng hát của anh có phần ủy mị và yếu đuối. Nó có phần nào giống tính cách của anh ngoài đời?
- Sở trường của tôi là hát nhạc buồn và nhạc tình, nên chắc chắn tôi không thể gào thét khi trình bày những nhạc phẩm này. Tôi yêu những bài hát êm đềm, có giai điệu đẹp, trong sáng và ghét những nhạc phẩm ủy mị, yếu đuối, rên rỉ nên có lẽ tôi không muốn theo trường phái này đâu.
Còn về tính cách, tôi thuộc loại người ít nói, hay mơ mộng, không hay nóng giận, thích cư xử nhẹ nhàng với mọi người. Như thế có phải là ủy mị và yếu đuối không.
- Anh trở về VN vì đã "quá ngán cuộc sống máy móc, lạnh lẽo ở Mỹ", "đã qua rồi thời ham nhà to, mê xe đẹp". Anh nghĩ thế nào về chuyện những ham muốn vật chất ấy chỉ qua đi khi anh nhận ra thời trẻ trung, sôi nổi của mình cũng qua đi?
- Đến tuổi này, tôi chợt nhận ra một điều: Mình đã thật ngu si khi hoang phí tuổi xuân để trở thành một cái máy kiếm tiền lúc còn sinh sống bên Mỹ. Lúc nào cũng nghĩ đến chuyện kiếm tiền để trả nợ vì bên ấy có rất nhiều thứ cám dỗ và dễ mua trả góp. Khi trở về quê hương, tôi không có nhà, có xe to và đẹp bằng bên Mỹ, nhưng cuộc sống thì đầy đủ, thú vị. Mỗi ngày sắp đến là một ngày vui của tôi. Có lẽ trong mỗi giai đoạn, con người có những ý thích khác nhau. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn cuộc sống thanh thản và hạnh phúc.
- Theo anh, một ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam khác một ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại như thế nào?
- Ca sĩ ngày nay tạo dựng tên tuổi dễ hơn thời trước rất nhiều. Ngày trước, ngành ca nhạc chưa phải là một kỹ nghệ, chưa có những phương tiện truyền thông rộng rãi và hiện đại như TV, radio, Internet... Không có những sô ca nhạc tầm cỡ lớn, không có những nhà tài trợ để làm chương trình, không có công nghệ lăng xê, các hoạt động ca nhạc chỉ thu hẹp trong các phòng trà, hộp đêm.
Một ca sĩ nổi tiếng VN có nhiều khán giả và sô diễn hơn. Còn hoạt động văn nghệ ở nước ngoài chỉ diễn ra vào cuối tuần. Điểm khác biệt lớn nhất giữa ca sĩ VN và ca sĩ hải ngoại là vấn đề lăng-xê. Ca sĩ VN ra nước ngoài trình diễn nhận được tiền thù lao cao gấp 4-5 lần trong khi chi phí ở VN rất rẻ. Còn ca sĩ nổi tiếng hải ngoại về nước trình diễn, cát xê thấp hơn so với khi hát bên Mỹ (vì giá vé không cao).
- Anh đã thành lập phòng trà Văn Nghệ, rất đông khách và thành công về mặt tài chính, tại sao anh lại bỏ ngang để mở phòng trà Tình Ca?
- Tôi thích sự sòng phẳng, công bằng. Lúc nào tôi cũng muốn đặt niềm tin nơi mọi người. Nhưng khi niềm tin đã mất thì dù có lời lãi cách mấy đi nữa, tôi cũng dứt khoát từ bỏ và không tiếc nuối. Cuối cùng thì tôi cũng tìm được những người bạn thật sự, có cùng một niềm đam mê và lý tưởng để xây dựng nên phòng trà Tình Ca.
- Anh có thể kể gì về Julie, mối tình đầu và cũng là nữ song ca đầu tiên trong cuộc đời anh?
- Tôi gặp Julie lúc 17 tuổi. Chúng tôi bằng tuổi nhau, cùng nếm vị ngọt yêu đương thuở mới lớn. Cô ấy có giọng hát liêu trai. Tôi đã ôm đàn bỏ nhà theo nàng ra mãi tận Nha Trang hát chung trong ban nhạc The Free Ones từ năm 1968 đến năm 1970. Nhưng mối tình đầu cũng mau tan vì chúng tôi còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời, huống gì tính đến chuyện trăm năm.
- Còn cuộc hôn nhân đầu của anh thì sao?
- Tôi lập gia đình năm 1984 với một người vợ rất đẹp, đẹp như một cánh hoa hồng có gai nhọn. Lúc ấy, nàng là hoa khôi ở Washington DC. Chúng tôi đã có một gia đình lý tưởng mà nhiều người phải mơ ước thèm thuồng. Cuộc hôn nhân ấy kéo dài 17 năm và có với nhau 2 nàng công chúa đẹp như tiên. Chúng tôi lấy nhau không phải vì tiền mà lại xa nhau vì đồng tiền đỏ đen.
- Ngoài lý do anh trở về VN như đã nêu, còn một lý do khác như báo chí nhắc tới: Anh mang nỗi buồn sâu kín của người đàn ông vừa tan vỡ chuyện gia đình. Anh thấy sao về điều này?
- Đúng thế. Năm 2002, tôi ly dị. Lúc ấy tôi buồn lắm và chẳng muốn làm gì, nghĩ gì nữa. Tôi chán nản chỉ muốn bỏ nghề vì không còn chút hứng thú. May thay, vào cuối năm 2004, tôi nhận được lời mời về VN trình diễn trong chương trình "Duyên dáng Việt Nam".
Tôi suy nghĩ: "Tại sao mình không thử trở về quê hương làm ăn sinh sống? Biết đâu!". Và quả nhiên, tôi đã tìm lại được niềm hứng khởi, yêu đời. Tôi từng tâm sự với rất nhiều bạn bè ở Mỹ: Ai đang bị stress, buồn chán, thất vọng, hãy tìm về quê hương, bảo đảm sẽ hết bệnh, khỏi cần đi bác sĩ tâm lý điều trị làm chi cho mất thời giờ và tiền bạc.
- Sau lần ấy, quan niệm của anh về phụ nữ, tình yêu, hạnh phúc của anh đã khác đi thế nào?
- Khi gia đình tan vỡ dù nhiều lần níu kéo mà không thành, tôi thực sự lâm vào trạng thái trầm cảm và chán nản. Thú thật, tôi đã bị tổn thương rất nặng nên chẳng thiết tha gì chuyện ái tình. Cũng có vài bóng dáng phụ nữ muốn cho tôi sự vỗ về và an ủi nhưng hình như vết thương chưa lành nên tôi đành tạ lỗi...
- Nghe nói có thời anh cũng dính dáng đến ca sĩ Ngọc Lan vì mê giọng hát của nàng. Thực hư ra sao?
- Ngọc Lan là người mà tôi chọn để song ca nhiều nhất, vì cả hai chúng tôi đều mến chuộng chất giọng của nhau. Ai cũng hỏi tôi có yêu Ngọc Lan không? Xin trả lời, tôi rất yêu quý tài năng và tính tình của nàng nhưng lúc ấy, tôi đã có gia đình. Tôi không muốn làm cho nhiều người buồn khổ và bản thân mình ân hận về sau.
- Bắt đầu một niềm hạnh phúc mới bằng cuộc hôn nhân thứ hai. Anh thấy Yến Xuân - người phụ nữ mình đã lựa chọn - như thế nào?
- Ông trời dường như đã cho tôi một sự "Mặc Khải" mạnh mẽ. Khi gặp Yến Xuân lần đầu, tôi bị cuốn hút rất nặng. Tôi nghĩ rằng đây chính là người phụ nữ sẽ đi với mình đến cuối cuộc đời vì Yến Xuân đã mang đến cho tôi sự tin tưởng, sự cảm thông tuyệt đối và quan trọng nhất làm cho tôi thêm yêu đời.
- Việc kết hôn với một người ít hơn mình 20 tuổi mang lại cho anh những trở ngại gì?
- Chưa bao giờ chúng tôi thấy trở ngại về vấn đề chênh lệch tuổi tác. Tôi tìm thấy nơi Yến Xuân một người tình, người bạn và người vợ. Chúng tôi sống giản dị, dễ tính, không hay bắt lỗi và thích vui đùa với nhau nên cuộc sống của chúng tôi rất tuyệt vời.
![]() |
Ảnh cưới của Duy Quang - Yến Xuân. Ảnh: N.S. |
- Vợ mới của anh trẻ thật nhưng không phải người nổi trội về nhan sắc. Liệu có phải anh đã thấm thía câu "vợ đẹp là vợ người ta"?
- Tôi đã gặp rất nhiều người đẹp trong suốt bao nhiêu năm trời nhưng có ai làm cho trái tim của tôi rung động như vậy đâu. Đối với tôi, Yến Xuân là người đẹp nhất, thế là đủ rồi.
Tôi từng có hạnh phúc và đã mất mát nên tôi nghĩ rằng mình có nhiều kinh nghiệm để giữ gìn tình yêu của mình. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau tuần trăng mật sẽ kéo dài mãi mãi.
- Trong ngày cưới, hai con anh đã từ Mỹ bay về VN. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
- Tôi rất cảm động và hạnh phúc trọn vẹn. Điều làm cho tôi sung sướng nhất là các con đã đủ khôn lớn để hiểu biết và cảm thông. Tuyệt vời hơn nữa là Yến Xuân và các con tôi đã quấn quýt, quý mến nhau nhiều hơn tôi tưởng. Tôi nghĩ Yến Xuân sẽ là một "bà mẹ ghẻ" tốt nhất.
- Tình cảm cha con của anh có gì đặc biệt khi không cùng chung sống dưới một mái nhà?
- Con gái tôi sống với cô em út của tôi là Thái Hạnh. Hai cô cháu giống nhau như hai giọt nước nên thương nhau như mẹ con ruột thịt. Tuy sống xa con nhưng tôi thường gọi điện thoại về Mỹ gần như mỗi ngày. Cứ khoảng 3-6 tháng, tôi lại bay về Mỹ thăm con một lần.
- Sống xa cha mẹ, con cái luôn bị thiệt thòi. Anh bù đắp cho con như thế nào?
- Trước khi trở về VN sinh sống, tôi đã ký thác một số tiền khá lớn ở nhà băng Mỹ để nhờ cô em út thay anh nuôi nấng các cháu ăn học và không để chúng thiếu thốn bất cứ điều gì cho đến khi trưởng thành. Tôi xem các con như bạn và lắng nghe tâm sự cũng như những suy nghĩ của con. Tôi luôn khuyên con phải cố gắng sống thật đàng hoàng và học hành chăm chỉ. Thật may mắn vì con gái tôi rất ngoan ngoãn, thông minh. Tôi mong mỏi được cho các con những gì mà cha mẹ đã cho tôi...
- Một ca sĩ hào hoa, nổi tiếng trong tình trường, một người đàn ông có cuộc đời ba chìm bảy nổi. Nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, anh tự nhận xét về mình như thế nào?
- Chẳng dám tự nhận mình là người hào hoa, nhiều khi tôi còn cảm thấy mình bất hạnh, không thành công trong tình cảm, vì từ trước đến giờ, chỉ gặp toàn thất vọng. Đến nỗi, có lúc tôi đã nhủ lòng rằng sẽ sống độc thân đến chết. Còn về công việc và sự nghiệp, tôi thấy mình là người may mắn. Tôi đã làm được gần hết những gì mà mình mong muốn. Tuy chưa trọn vẹn nhưng cũng xin tạ ơn cuộc đời, tạ ơn tất cả những người đã dành tình cảm cho mình bao năm qua. Những tình cảm ấy, đối với tôi còn quý giá hơn châu báu, ngọc ngà.
(Theo Mỹ Thuật)