![]() |
Diễn viên Duy Hậu. |
Năm 1968, học hết phổ thông trung học, rời Hà Nội, tôi vào đời với tư cách một anh bộ đội. Bốn năm ở chiến trường Quảng Trị, tôi làm đủ thứ việc mà lính giao thông vận tải phải làm: gùi, thồ, bốc vác, lái xe theo đường dây 559. Tôi có máu văn nghệ thơ ca hò vè, nên được thuyên chuyển vào đội tuyên - văn của binh trạm. Thế là tôi bước vào cuộc đời nghệ sĩ một cách ngẫu nhiên.
Năm 1982, chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ, tôi làm quen với một không khí kịch hoàn toàn khác. Năm 1989, đạo diễn Lê Hùng tốt nghiệp ở Nga về, khởi dựng Trái tim chó. Có lẽ Lê Hùng là người đầu tiên nhìn ra khả năng đảm nhận vai diễn của những kẻ đốn mạt có đời sống tâm lý phức tạp như Xaric Saricop trong con người tôi. Năm ấy tôi 36 tuổi, nghĩ lại đến bây giờ vẫn sợ. Những đêm diễn mùa hè, rạp không có máy lạnh như bây giờ, khách ngồi xem cứ luôn tay phành phạch đủ các loại quạt nan, quạt giấy. Trong khi đó, tôi khoác trên người bộ áo lông Đức nặng 7 kg, nhón bước đi trên 5 đầu ngón chân đúng như nhân vật người chó trong kịch bản. Hết một đợt diễn, tôi sụt mất 5 kg. Hồi ấy tôi đâu nghĩ gì đến bản thân, tôi đo hạnh phúc của mình bằng sự kinh tởm nhân vật Xaric thể hiện trên gương mặt khán giả hàng đêm. Có người còn quay đi nhổ nước bọt mỗi khi tôi ra sàn diễn, và điều đó làm tôi hài lòng. Có lẽ vai diễn ấy là bước khởi đầu suôn sẻ cho sự nghiệp chuyên đóng những vai dị mọ sau này.
Có lẽ trong giới nghệ sĩ biểu diễn, hiếm có người nào bị khán giả căm ghét như tôi. Sau bộ phim truyền hình Sóng ở đáy sông ra mắt, tôi càng bị người ta ghét tợn. Đi ăn sáng, ngồi quán xá với bạn bè, bao giờ cũng nhận được những ánh mắt gườm gườm. Có hôm, đang đi đến Thái Hà, tự nhiên, bị một cái đòn gánh vụt ngang lưng. Quay lại, thấy một bà già đằng đằng sát khí: "Sống thế nào phải để đức lại cho con cháu nữa chứ, sống thế mà sống được à?". Người đi đường xúm vào khuyên can bà cụ, giải thích rằng đó chỉ là vai diễn, là phim thôi, ông ấy không thế đâu. Đòn đánh của một người già thì lấy sức đâu ra để khiến mình bị đau, nhưng hôm ấy tôi mới thấy thực sự thấm thía cái mặt trái cay đắng mà nghề đem lại. Tôi bước chân đi, miệng thì cười vì vai diễn ấy đã khiến người ta phải nhớ đến mình, nhưng chẳng biết từ lúc nào hai dòng nước mắt đã lăn dài trên má. Đời tôi gần 20 năm nay sống một thân một mình, vợ con thì có mà như không vì họ ở nước ngoài, tôi hầu như đã quen dần với nỗi cô đơn, nhưng vào những lúc như thế, tôi thực sự thèm có một người thân ở bên mình đến cháy lòng. Tôi cho rằng cái hạnh phúc lớn nhất của một người đàn ông là có một vài người ruột thịt để quan tâm lo lắng, để được chứng tỏ vai trò trụ cột của mình. Thế nhưng, số phận không cho tôi có cái hạnh phúc giản đơn ấy nên bao nhiêu trí lực, tôi trút hết vào vai diễn.
Đạo diễn thường chọn tôi vào phim không phải vì ngoại hình của tôi giống với nhân vật mà bởi họ tin rằng, với vốn sống của mình, tôi có thể làm đầy lên khoảng cách đó. Vai Trịnh Bá Hàm trong phim Đất và Người của tôi là một ví dụ. Theo hình dung của tôi và những ai đọc kịch bản, đó là một người đàn ông thấp, đậm, tóc húi cua. Tôi thì cao hơn nhân vật, tóc lại bị hói một mảng lớn phía trước. Ấy thế nhưng tôi làm được hết, nét sáng tạo tôi thích thú nhất chính là cái tăm của ông Hàm. Cái tăm to như chiếc đũa ấy không hề có trong kịch bản, tôi rút cái tăm ấy từ hàng chục những ông già thủ cựu tôi gặp trong quãng thời gian đi sơ tán tránh bom Mỹ ở khắp các vùng thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội.
Đôi khi tôi phải cảm ơn cuộc sống cô đơn của mình, nó cho tôi rất nhiều chất liệu để làm đầy thêm nhân vật. Hồi tôi làm phim Chiều tàn thu muộn với hai anh đạo diễn Vũ Trường Khoa và Phạm Thanh Phong, họ bảo tôi, bác làm giúp em cảnh ông Tân cô đơn. Tôi bảo dễ thôi, cần gì diễn một ông Tân liên tục thở dài, vật mình hết bên này đến bên nọ, các cậu kiếm cho mình một cái kim, một cái áo đứt khuy. Còn gì gợi lên sự cô đơn hơn cảnh một người đàn ông chong đèn ngồi cặm cụi đính lại chiếc khuy áo đứt. Tôi cho rằng làm nghệ thuật là phải tìm được những chi tiết đắt giá như thế. Đời tôi có được chút vinh quang nào trong nghiệp diễn thì bao giờ nó cũng đi kèm với cay đắng.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)