Chỉ bốn trong số 13 người vào chung kết hôm 26/8 từng chinh phục mức 6 mét trở lên trong sự nghiệp. Duplantis vượt qua mốc đó ở 49 giải, và nâng lên thành 50 khi vượt qua 6 mét ngay lần nhảy đầu tiên.
Trước đó, ngôi sao Thụy Điển vượt qua các mốc 5,55 mét, 5,85 mét, 5,95 mét, và cũng là người duy nhất vượt qua mốc 6,05 mét, 6,10 mét, tất cả đều ngay lần nhảy đầu tiên.
Chắc chắn giành HC vàng với 6,10 mét, nhưng Duplantis vẫn quyết định nâng mức sào lên 6,23 mét với tham vọng xô đổ kỷ lục thế giới của bản thân. Tuy nhiên, thực hiện không thành công ở cả ba lượt nhảy.
Duplantis lập kỷ lục 6,21 mét khi đăng quang tại Eugene 2022. Đây là lần đầu một kỷ lục nhảy sao thế giới được phá ở ngoài trời kể từ tháng 7/1994, bởi huyền thoại Sergey Bubka với 6,14m.
Chiến tích mới nhất tại Budapest 2023 giúp Duplantis làm dày thêm bộ sưu tập danh hiệu vốn rất đồ sộ. Ngoài kỷ lục thế giới cả ngoài trời 6,21m, anh còn giữ kỷ lục trong nhà với 6,22m.
Ở nội dung ngoài trời, bên cạnh hai chức vô địch thế giới liên tiếp, Duplantis giành HC vàng tại Tokyo 2021, là đương kim vô địch châu Âu và Diamond League. Duplantis từng hai lần vô địch châu Âu, vào năm 2018 - nơi anh lập kỷ lục thế giới dưới 20 tuổi - và 2022. Trong nhà, Duplantis giành HC vàng thế giới 2022 và châu Âu 2021.
"Tôi thực sự hạnh phúc khi hai lần liên tiếp giành HC vàng", Duplantis nói sau chiến thắng. "Đây có lẽ là bầu không khí điên rồ nhất mà tôi từng tham gia, nên việc có thể trình diễn tốt cho người hâm mộ có ý nghĩa rất lớn. Tôi cảm thấy hơi áp lực với tư cách là đương kim vô địch, nhưng vẫn vui khi đáp ứng kỳ vọng. Thật tuyệt khi tiếp tục là nhà vô địch".
Ernest John Uy Obiena của Philippines giành HC bạc khi cân bằng kỷ lục châu Á 6m do chính anh thiết lập. Christopher Nilsen của Mỹ và Kurtis Marschall của Australia cùng giành HC đồng với 5,95m.
Hồng Duy