Đọc về văn hóa còi xe ở Thái Lan chắc hẳn ai cũng ngưỡng mộ đất nước họ, thậm chí nhiều người còn cao hứng mai ra đường học tập ngay, đạp ga cả đoạn đường không một lần đấm còi. Nhưng cứ thử mà xem, không cẩn thận là đền oan vì cái kiểu tham gia giao thông ba không, "không biết, không nghe, không thấy" như ở Việt Nam.
Không còi sao được? Khi ở thành phố, ngoài đường lớn, ôtô chạy làn xe máy, xe máy chiếm làn xe hơi. Họ đan vào nhau nhịp nhàng, uyển chuyển như một bức tranh tổng hòa. Nhìn luồng giao thông đó, cảm giác như đang xem người ta thêu hoa, dệt lụa. Họ không thấy xe nào phía trước, phía sau, cứ mặc nhiên mà chiếm làn, tạt đầu, không còi chắc chỉ đứng yên một chỗ.
Không còi sao được? Khi ở thành phố, trong ngõ nhỏ, người ta chiếm dụng làm chỗ đỗ xe, bày bán hàng hóa kín lòng đường, không còn đủ diện tích cho một chiếc xe cỡ nhỏ di chuyển. Chưa hết, nhiều người cao hứng còn giăng luôn lưới làm thành sân cầu lông công cộng, không bấm còi, chắc bật máy lạnh ngồi ngắm người ta chơi thể thao quá.
Không còi sao được? Khi ở nông thôn, đường đi cũng như sân nhà. Người già, trẻ em, người xe đạp, người xe máy tung tăng chạy nhảy, đang đi bên phải, cao hứng lùa sang bên trái, không tín hiệu, không ngoái đầu nhìn. Không còi thì đâm vào người ta lúc nào không biết, mang tội oan.
Không còi sao được? Khi trên đường quốc lộ, xe nhanh đi trong, xe chậm đi ngoài, không tuân thủ luật giao thông, dừng đỗ vô tội vạ như sân nhà mình. Rồi người, gia súc, gia cầm băng qua đường như đại hội chăn nuôi.
Đó, còn chỗ nào để đi, khi mà nơi đâu cũng là nhà, là sân của người tham gia giao thông "không biết, không nghe, không thấy", bảo làm sao mà "không còi" cho được?
Độc giả Nguyên Khoa