Quãng đường từ Cầu Diễn đưa con đến trường rồi đến cơ quan của hai vợ chồng tôi vỏn vẹn 12,5 km, nhưng hôm nào cũng phải mất từ 1-1,5 giờ đồng hồ. Để kịp giờ làm việc của bố mẹ, chúng tôi phải đưa các con đến trường rất sớm.
Nhiều hôm mùa đông gió rét, 6 giờ sáng mà trời vẫn mù mịt, nhìn con bé lớp ba với đống quần áo sù sụ, côi cút ngồi nhờ phòng bác bảo vệ chờ nhà trường mở cửa, lòng tôi thắt lại.
Đó là buổi sáng, chiều về càng tệ hơn. Năm giờ chiều, tôi dắt xe ra khỏi cơ quan, đường về nhà bỗng trở nên xa xôi diệu vợi. Nó không còn được tính bằng đơn vị đo chiều dài mà bằng đơn vị thời gian, không tính bằng phút mà bằng hàng giờ chôn chân trên đường. Phòng bác bảo vệ trường lúc này không chỉ có con bé nhà tôi mà nhiều bạn khác cùng cảnh.
Dăm năm trước, từ nhà tôi đến cơ quan chỉ đi mất chừng 30 phút. Nay, dọc tuyến đường vào nội đô hoặc những tuyến đường mới mở, hàng loạt chung cư mới liên tục mọc lên khiến hệ thống giao thông trở nên quá tải. Ùn ứ xảy ra gần như hàng ngày. Thời gian và sức lực để di chuyển cùng một quãng đường sau khoảng 5 năm đã tăng lên gấp ba.
Hai vợ chồng tôi mỗi ngày đang mất 5 đến 6 tiếng trên đường. Số giờ ấy là thời gian bị "đánh cắp", nếu không, chúng tôi có thêm thời gian để chăm sóc gia đình hoặc làm việc gì đó tăng thu nhập.
Với những người sống dựa vào đồng lương nhà nước như chúng tôi, việc tốn thêm nhiều thời gian, tiêu tốn thêm nhiên liệu cho phương tiện đi lại, chưa kể năng lượng bị lãng phí đã làm giảm thu nhập. Nếu tính rộng ra với cả thành phố, mỗi ngày chúng ta đang mất đi hàng triệu giờ lao động do tắc nghẽn giao thông.
Một báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho biết, mỗi năm ùn tắc gây thiệt hại cho Hà Nội đến 1,2 tỷ USD, con số này với TP HCM là 1,3 tỷ USD. Đó là chưa kể những đe dọa gián tiếp lên sức khỏe cộng đồng, hạ tầng y tế, an sinh xã hội. Hàng triệu người ở các đô thị lớn cùng chen chúc trên đường "để sống" đã hít vào lồng ngực bụi mịn, khói xe, mùi người, mùi rác thải.
Việt Nam đang bị xếp thứ 15 thế giới về ô nhiễm bụi mịn với nồng độ PM2.5 trung bình năm là 34,1 µg mỗi mét khối. Con số này gấp ba đến bốn lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong đó, Hà Nội, TP HCM đều bị ô nhiễm bụi mịn ở mức rất cao. Những nguy hại của bụi mịn đã được chỉ ra rất rõ: gây đau tim, đột quỵ, ung thư, mất trí nhớ các bệnh đường hô hấp... Cũng theo báo cáo trên, thiệt hại do ô nhiễm môi trường của hai thành phố lớn nhất nước khoảng 2,3 tỷ USD mỗi năm cho mỗi đô thị
Tôi có câu hỏi ở đây: hạ tầng giao thông nội đô đã quá tải như vậy, tại sao người ta vẫn tiếp tục xây thêm hàng trăm chung cư cao tầng với hàng vạn dân dọc những tuyến đường huyết mạch để những con đường vốn chật chội càng thêm bức bối?
Các quảng cáo, chào mời mua căn hộ vây quanh mỗi ngày khiến tôi liên tưởng đến con cá và cái lờ bắt cá. Chúng ta - những thị dân bị dẫn dụ chen nhau chui vào một chỗ để rồi cùng nhau chẳng thể thoát ra.
Xét về mặt kinh tế, việc "lèn" thêm những tòa cao ốc vào không gian vốn đã ngột ngạt chỉ mang lại lợi nhuận cho chủ đầu tư, chưa hẳn đã mang lại tiện ích cho người mua như hứa hẹn. Chúng ta sống trong những không gian bị ô nhiễm, bị kẹt xe, bị tước đi thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, bị lấy mất năng lượng chăm sóc gia đình... Làm sao có thể hạnh phúc khi hàng ngày phải chôn chân trên đường, hít thở khói xăng giữa chang chang nắng hè hay trời đông lạnh giá?
Không ít quốc gia đã phải trả giá cho sự đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, gây rút ngắn tuổi thọ người dân. Tôi cho rằng, hệ quả đó đều xuất phát từ việc quy hoạch dân cư, quy hoạch đô thị.
Giải pháp cho vấn đề này, chúng ta chẳng cần đi đâu xa mà nhìn vào chính di sản do người Pháp để lại, phân tán các tòa nhà kèm hệ thống giao thông bàn cờ, mọi ngả đường đều thông nhau. Theo số liệu điều tra dân số năm 2019, quận Hoàn Kiếm có mật độ dân số 39.830 người mỗi km2, tức gấp 137,3 lần mật độ dân số toàn quốc, cao hơn cả mật độ dân số Monaco - quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. Ngoài ra, địa bàn Hoàn Kiếm còn có 17 nghìn doanh nghiệp, nhưng việc tắc đường không xảy ra thường xuyên bởi người Pháp đã thiết kế giao thông khu vực này theo ô bàn cờ. Khi cần đến một điểm, bạn sẽ có những lựa chọn khác nhau. Khác hoàn toàn với những khu đô thị mới ven đô, hầu hết lựa chọn của dân chúng chỉ là một con đường độc đạo.
Việc thứ hai, người Pháp đã không chấp nhận những tòa nhà cao tầng, dù ở trung tâm hay vùng ven. Các cao ốc được quyết định rất cẩn trọng, bởi nó không chỉ phá hủy kiến trúc tổng thể trên bộ mặt đô thị mà còn dồn sức ép lên giao thông, gây giảm chất lượng sống của dân chúng. Điều này có thể thấy rất rõ với Paris hôm nay hay quy hoạch trung tâm Hà Nội, TP HCM trước đây.
Khi bạn đang đọc bài này, dọc những con đường vào nội đô, các khoảng đất ít ỏi sót lại vẫn đang tiếp tục được quây tôn xây dựng, màu xanh tiếp tục lụi đi bởi màu bê tông.
Nếu không gian để sống, để thở, túi tiền và sức khỏe của người dân tiếp tục bị co hẹp, chúng ta đang đánh đổi tương lai vì cái gì?
Ngô Chí Tùng