Buổi giao lưu “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử” diễn ra sáng 11/10 tại Bảo tàng Phụ nữ. Các diễn giả tham gia chương trình gồm các nhà văn Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến và Nguyễn Việt Hà. Nhà sử học Dương Trung Quốc là người dẫn dắt chương trình, ông lần lượt nhận xét về ba tác phẩm văn học về Hà Nội mới ra mắt, gồm: Ba ngôi của người (Nguyễn Việt Hà), Cậu ấm (Trần Chiến) và Me Tư Hồng (Nguyễn Ngọc Tiến). Khi nói về tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói: "Tôi đọc Ba ngôi của người cứ giật mình thon thót, vì tác phẩm có nhắc tới ông nghị sĩ hay chất vấn".
Trong Ba ngôi của người, Nguyễn Việt Hà đã dựng lại chân dung Hà Nội đương đại. Đó là một đô thị với đủ thứ nhốn nháo, xấu xí, đủ gương mặt đại diện cho những tầng lớp thị dân. Nhà văn Nguyễn Việt Hà thừa nhận anh viết tác phẩm trong trạng thái "stress kinh khủng", nên tác phẩm mới có không khí u ám như vậy. Theo anh, cái gọi là "văn hóa người Hà Nội" mà hiện nay chúng ta vẫn tiếc nhớ, đi tìm, tranh cãi bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Anh cho rằng khi người Pháp tới Hà Nội đã hình thành nên tầng lớp thị dân, và hai tác phẩm Me Tư Hồng, Cậu ấm phản ánh lịch sử, văn hóa Hà Nội qua các nhân vật trong đó.
Me Tư Hồng dựng chân dung một Hà Nội trong buổi giao thời từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20. Đó là một bối cảnh đầy biến động, đổi thay cùng nhiều giá trị mới hình thành bên cạnh yếu tố truyền thống. Việc xây dựng hình ảnh người đàn bà mạnh mẽ, quyết liệt, dám sống với ước mơ, hoài bão lớn của mình chính là cách để nhà văn nhìn nhận lại số phận, cuộc đời của những người phụ nữ xưa.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói, ông viết cuốn sách này không có ý định bênh cô Tư Hồng mà chỉ muốn nhìn nhận về nhân vật này dưới góc nhìn của ngày nay. Trước 1954, những lời đồn đại và trang viết về cô Tư Hồng rất khắt khe, ông muốn dựng lại chân dung một nhân vật sống và làm việc theo bản năng con người. Đó là một nhân vật muốn bứt phá để bản thân tồn tại. Đó là người phụ nữ đầu tiên mở công ty ở Hà Nội, người đầu tiên lắp điện thoại gia đình. Một số công trình ở Hà Nội hiện nay vẫn còn in dấu ấn của cô Tư Hồng, như bức tường bao quanh khu Văn Miếu, dãy nhà ở đầu phố Quán Sứ, trường THPT Việt Đức...
Lịch sử Hà Nội trong thế kỷ 20 phản chiếu qua cuộc đời nhân vật chính trong Cậu ấm của Trần Chiến. Cuốn sách kể về một gia thế Hà thành đi lên từ lao động chăm chỉ và dần có được cuộc sống phong lưu. Cậu ấm Vận - người thừa kế cả gia tài của người cha cự phú, được học hành cẩn thận lại say mê ẩm thực. Cái nghề làm bếp thay vì làm thầy, làm ông chủ... lại là nghề giúp gia đình và bản thân Vận đi qua chiến tranh, biến thiên. Từ chỗ giấu ông bố tư sản để theo nghề nấu ăn đến làm anh nuôi cho kháng chiến, từ một chủ quán bún thang được cả người Pháp ưa thích đến làm đầu bếp cho cửa hàng ăn uống mậu dịch... cuộc đời Vận thực sự là tấm gương phản chiếu lịch sử Hà Nội một thời.
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nhận xét ba tiểu thuyết mới ra mắt đã soi tỏ Hà Nội xưa. Chị nói: "Những người làm sử như chúng tôi rất thích tác phẩm của các anh ấy. Bởi lịch sử không chỉ là những con số khô khan, nó còn là con người, tâm lý cộng đồng. Các tác phẩm giúp lý giải những con người, hiện tượng, nhân vật trong lịch sử".
Nhận xét về văn chương viết về Hà Nội theo dòng chảy lịch sử, tiến sĩ khảo cổ nói: "Nếu chúng ta băn khoăn người Hà Nội như nào, hãy bắt đầu từ giai đoạn cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, chuyển từ thời Trung cổ sang thị dân. Tác phẩm Me Tư Hồng rồi Cậu Ấm cho thấy rõ điều này. Còn Hà Nội ngày nay thể hiện rõ trong tác phẩm của những tác giả như Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý".
Lam Thu